VIÊM ĐẠI TRÀNG GIẢ MẠC DO DÙNG KHÁNG SINH

Viêm đại tràng giả mạc (có một lớp màng dính vào thành ruột gọi là màng giả) là viêm đại tràng liên quan đến kháng sinh hay viêm đại tràng Clostridium difficile. Nguyên nhân phổ biến là do loạn khuẩn đường ruột do dùng kháng sinh.
Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, viêm đại tràng giả mạc có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như mất nước dẫn đến tình trạng hạ huyết áp, suy thận, thủng đại tràng, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng. Cùng Bs Lê Thanh Thùy – Phòng khám đa khoa Pasteur tìm hiểu chi tiết về bệnh lý này.

1. Triệu chứng của bệnh viêm đại tràng giả mạc là gì?

Các triệu chứng viêm đại tràng giả mạc có thể bắt đầu ngay sau 1 – 2 ngày sau khi bắt đầu dùng kháng sinh, hoặc vài tuần sau khi ngừng kháng sinh:
Tiêu chảy có thể có máu hoặc có chất nhầy và mủ kèm theo.
Đau bụng.
Sốt.
Buồn nôn.
Mất nước.
VIÊM ĐẠI TRÀNG GIẢ MẠC DO DÙNG KHÁNG SINH Ảnh minh họa

2. Viêm đại tràng giả mạc khi nào cần bác sĩ tư vấn?

Nếu xuất hiện các triệu chứng trên khi đang dùng hoặc gần đây có dùng kháng sinh, hãy liên hệ với bác sĩ của bạn, ngay cả khi tiêu chảy tương đối nhẹ. Đặc biệt, cần đến bác sĩ khi triệu chứng tiêu chảy nghiêm trọng, sốt, đau bụng dữ dội, có máu hoặc mủ trong phân.

3. Nguyên nhân gây bệnh viêm đại tràng giả mạc là gì?

Việc sử dụng kháng sinh và các thuốc khác có thể làm sự cân bằng của hệ vi khuẩn tại đại tràng mất đi. Viêm đại tràng giả mạc xảy ra khi có loại vi khuẩn (hay gặp nhất là C. difficile) phát triển nhanh hơn các vi khuẩn khác. Độc tố do vi khuẩn C. difficile tác động vào niêm mạc đại tràng gây viêm và tăng bài tiết tạo thành giả mạc màu trắng (mềm, dễ bong và khi bong ra sẽ để lại viêm, loét và gây chảy máu niêm mạc).
Bất kỳ loại kháng sinh nào cũng có thể gây viêm đại tràng giả mạc, nhưng một số loại kháng sinh thường liên quan hơn những loại khác, bao gồm:
Fluoroquinolones như ciprofloxacin (Cipro) và levofloxacin; Penicillin như amoxicillin và ampicillin; Clindamycin (Cleocin); Cephalosporin, như cefixime (Suprax).
Ngoài ra, hóa trị liệu trong ung thư cũng có thể phá vỡ sự cân bằng của vi khuẩn ở đại tràng. Viêm loét đại tràng, bệnh Crohn, hệ miễn dịch suy yếu, tuổi cao đặc biệt trên 65 tuổi,… là các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm đại tràng giả mạc.
viêm đại tràng giả mạc do dùng kháng sinh

4. Phòng ngừa bệnh viêm đại tràng giả mạc như thế nào?

Tránh sử dụng kháng sinh khi không cần thiết. Thuốc kháng sinh có khả năng tiêu diệt vi khuẩn hay kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn, không có tác dụng trong các bệnh do tác nhân virus. Do đó, cần phải có sự đánh giá của bác sĩ để xem có cần thiết dùng kháng sinh hay không. Nếu cần dùng kháng sinh, bác sĩ sẽ chọn loại thuốc phù hợp nhất, dùng trong thời gian ngắn nhất để tránh tình trạng viêm đại tràng giả mạc.
Bên cạnh đó, cần tuân thủ các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn chặt chẽ. Các biện pháp bao gồm rửa tay, thực hiện tiệt khuẩn cẩn thận môi trường sống để tiêu diệt bào tử của C. difficile, cách ly người bệnh do vi khuẩn C. difficile ở phòng riêng.
BS LÊ THANH THÙY – Phòng khám đa khoa Pasteur