Viêm âm đạo do nấm Candida là một trong những bệnh lý phụ khoa phổ biến, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của nhiều phụ nữ. Theo các thống kê trên thế giới, khoảng 75% phụ nữ sẽ ít nhất một lần nhiễm nấm âm đạo trong đời, trong đó khoảng 40-50% phụ nữ sẽ tái phát ít nhất một lần [1]. Vì vậy, việc hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị là cần thiết để quản lý hiệu quả bệnh lý này, đặc biệt đối với phụ nữ mang thai, vì bệnh có thể dẫn đến nguy cơ sinh non hoặc nhiễm trùng sơ sinh [2].
Cùng theo dõi bài viết sau đây được Bs Lê Thị Nhung – Phòng khám đa khoa Pasteur chia sẻ.
1. Nấm Candida là gì?
Candida sp là một vi nấm hạt men. Trong các chủng Candida sp, Candida albicans là chủng phổ biến nhất, chúng hiện diện trong khuẩn hệ, và được biết đến như là một thành phần của khuẩn hệ âm đạo bình thường. Các chủng khác có thể thấy là Candida glabrata, Candida tropicalis, hoặc Torulopsis glabrata [6].
Chỉ trong trường hợp mà Candida albicans phát triển quá mức thì người phụ nữ mới có các biểu hiện lâm sàng của nhiễm Candida.
2. Ai dễ có nguy cơ mắc bệnh?
Một số nhóm đối tượng được xem là có nguy cơ bị nhiễm nấm Candida vùng kín hơn, bao gồm:
– Sử dụng kháng sinh dài ngày: Kháng sinh có thể phá hủy các vi khuẩn có lợi trong âm đạo, làm mất cân bằng hệ vi sinh và tạo điều kiện thuận lợi cho nấm Candida phát triển [3].
– Bệnh tiểu đường không kiểm soát tốt: Người bị tiểu đường có đường huyết cao, môi trường này rất thuận lợi cho sự phát triển của nấm Candida [4].
– Mang thai: Tăng estrogen trong thai kỳ làm phá vỡ sự cân bằng của hệ vi khẩn và nấm ở âm đạo, có thể khiến nấm phát triển quá mức; đặc biệt trong ba tháng cuối của thai kỳ [5].
– Các yếu tố khác: Sử dụng thuốc tránh thai, suy giảm miễn dịch, và mặc quần áo chật, không thoáng mát cũng góp phần làm tăng nguy cơ viêm âm đạo [1].
3. Triệu chứng của viêm âm đạo do nấm
Triệu chứng của viêm âm đạo do nấm Candida thường rõ ràng và gây khó chịu cho người bệnh. Các biểu hiện bao gồm:
– Ngứa và rát: Đây là triệu chứng thường gặp nhất, đặc biệt là quanh vùng âm đạo và âm hộ. Cảm giác ngứa có thể rất dữ dội, gây khó chịu, khiến người bệnh mất ngủ và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
– Khí hư (dịch âm đạo): Khí hư thường có màu trắng, dày và đặc, có dạng vón cục giống như phô mai. Đặc biệt, khí hư do nấm Candida không có mùi hôi, khác biệt với viêm âm đạo do vi khuẩn.
– Đau hoặc khó chịu khi quan hệ tình dục: Người bệnh có thể cảm thấy đau rát khi quan hệ tình dục, điều này khiến họ gặp khó khăn trong đời sống tình dục và có thể tránh quan hệ để giảm cảm giác đau.
– Đau hoặc nóng rát khi đi tiểu: Cảm giác đau hoặc nóng rát có thể xảy ra khi nước tiểu tiếp xúc với vùng âm hộ bị viêm nhiễm. Điều này thường làm cho bệnh nhân cảm thấy khó chịu và lo lắng.
– Sưng hoặc viêm đỏ vùng âm hộ – âm đạo.
4. Phân biệt với các bệnh lý viêm âm đạo khác?
Viêm âm đạo do nấm Candida cần được phân biệt với các loại viêm âm đạo khác như viêm âm đạo do vi khuẩn (bacterial vaginosis) hoặc trichomoniasis. Trong khi viêm âm đạo do vi khuẩn thường có mùi tanh như cá, khí hư của viêm âm đạo do Candida lại không có mùi và có màu trắng vón cục. Viêm âm đạo do trichomonas có thể có khí hư màu vàng hoặc xanh, có bọt và mùi khó chịu [1].
5. Viêm âm đạo do nấm Candida được chẩn đoán bằng cách nào?
Chẩn đoán viêm âm đạo do nấm Candida thường dựa vào các triệu chứng điển hình và tiền sử bệnh nhân. Việc thăm khám âm đạo sẽ giúp phát hiện các dấu hiệu của viêm, khí hư và vùng da bị kích ứng [3].
Ngoài ra, bác sĩ sẽ cần làm thêm một số xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân gây bệnh bao gồm:
– Phết nhuộm Gram và soi tươi: Đây là phương pháp thường được sử dụng để xác định sự hiện diện của nấm Candida. Kết quả soi tươi có thể cho thấy các sợi tơ nấm hoặc bào tử nấm [5].
– Test sinh học phân tử (PCR): Được áp dụng trong các trường hợp bệnh tái phát hoặc khi phương pháp truyền thống không cho kết quả rõ ràng. PCR giúp tăng độ chính xác trong chẩn đoán [2].
6. Phân loại viêm âm đạo do nấm Candida
– Nhóm không biến chứng (có đủ TẤT CẢ các tiêu chí sau):
- Nhiễm đơn thuần hoặc thỉnh thoảng
- Triệu chứng từ nhẹ đến trung bình
- Nghi ngờ hoặc có bằng chứng nhiễm nấm Candida albicans
- Bệnh nhân không bị suy giảm miễn dịch
– Nhóm có biến chứng (có BẤT KỲ tiêu chí nào sau đây):
- Tái phát ≥ 4 lần/năm
- Triệu chứng nặng
- Nghi ngờ hoặc có bằng chứng nhiễm nấm không phải Candida albicans
- Bệnh tiểu đường, các tình trạng suy giảm miễn dịch (ví dụ: HIV), suy nhược hoặc đang sử dụng liệu pháp ức chế miễn dịch (ví dụ: corticosteroid).
Điều trị viêm âm đạo do nấm Cadida như thế nào?
Điều trị viêm âm đạo do nấm Candida tùy thuộc trước tiên vào nhóm nhiễm nào: có hay không có biến chứng.
– Nhóm không biến chứng:
- Liệu pháp azole đặt âm đạo, Nystatin đặt âm đạo hoặc fluconazole đường uống được khuyến cáo để điều trị viêm âm đạo do nấm Candida không biến chứng. Liệu pháp đơn liều với 150 mg fluconazole được sử dụng rộng rãi [3],[5].
- Với những bệnh nhân có hơn bốn lần tái phát mỗi năm, liệu pháp kéo dài với Fluconazole liều duy trì 150 mg mỗi tuần trong 6 tháng được khuyến cáo, giúp giảm đáng kể nguy cơ tái phát. Đối với bệnh nhân không thể hoặc không muốn uống fluconazole thì liệu pháp kéo dài với các thuốc bôi tại chỗ ngắt quãng như clotrimazole (500 mg mỗi tuần hoặc 200 mg hai lần mỗi tuần) là lựa chọn được chấp nhận [3].
– Nhóm có biến chứng:
- Phần lớn các trường hợp nhiễm trùng là do C. albicans gây ra, loài này đáp ứng tốt với cả azole dạng uống và tại chỗ. Fluconazole đường uống là một phương pháp điều trị hiệu quả và tiện lợi đối với viêm âm đạo do các loài nấm Candida không phải albicans gây ra, đặc biệt là C. glabrata [3].
- Viêm âm đạo do nấm Candida không phải albicans ít có khả năng đáp ứng với liệu pháp imidazole tại chỗ hoặc fluconazole đường uống và nên được nghi ngờ ở những bệnh nhân có triệu chứng kéo dài sau điều trị viêm âm đạo do nấm Candida không biến chứng [3].
- Liệu pháp acid boric đặt âm đạo (viên nang 600 mg mỗi ngày trong tối thiểu 14 ngày) có hiệu quả với C. glabrata và các loài nấm Candida không điển hình khác [3].
- Flucytosine dạng bôi tại chỗ, 5 g mỗi tối trong 2 tuần, cũng là một phương pháp điều trị hiệu quả đối với C. glabrata [3].
– Điều trị cho phụ nữ mang thai
- Thời gian điều trị khuyến cáo: 7-14 ngày [5].
- Clotrimazole dạng đặt âm đạo được khuyến cáo cho phụ nữ mang thai vì tính an toàn cao và ít gây ảnh hưởng đến thai nhi. [5].
- Thuốc dạng uống như Fluconazole không được khuyến cáo do nguy cơ tiềm tàng cho thai nhi [5].
Phòng ngừa tái phát nhiễm nấm Candida bằng cách nào?
– Giảm yếu tố nguy cơ
- Kiểm soát đường huyết tốt: Đối với bệnh nhân tiểu đường, việc kiểm soát đường huyết đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nguy cơ nhiễm nấm.
- Tránh sử dụng kháng sinh không cần thiết: Cân nhắc kỹ trước khi sử dụng kháng sinh, chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ [4].
– Thay đổi lối sống
- Mặc quần áo thoáng mát: Tránh mặc quần áo bó sát và đồ lót ẩm ướt, vì môi trường ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển, mặc đồ lót cotton để giữ cho vùng âm đạo luôn khô ráo.
- Không thụt rửa âm đạo vì có thể khiến hệ vi khuẩn lành mạnh của âm đạo bị loại bỏ, làm đảo lộn sự cân bằng trong âm đạo và gây kích ứng.
- Chế độ ăn uống hợp lý: Hạn chế ăn nhiều đường và tăng cường probiotic có thể giúp duy trì cân bằng hệ vi sinh âm đạo [1].
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục là một biện pháp tốt để ngăn ngừa lây nhiễm.
Viêm âm đạo do nấm Candida là một bệnh lý phổ biến, nhưng có thể dễ dàng chẩn đoán và điều trị nếu được xử lý kịp thời và đúng cách. Việc điều trị hiệu quả không chỉ cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của người bệnh mà còn giúp phòng ngừa các biến chứng có thể xảy ra.
Bs Lê Thị Nhung – Phòng khám đa khoa Pasteur
Nguồn tham khảo
- Centers for Disease Control and Prevention (CDC). (2022). Vaginal Candidiasis.
- UpToDate. (2023). Candidal Vulvovaginitis: Clinical manifestations and Diagnosis.
- American College of Obstetricians and Gynecologists (ACOG). (2020). Practice Bulletin No. 215: Vaginitis in Women.
- British Medical Journal (BMJ). (2021). Risk Factors and Management of Recurrent Vaginal Candidiasis.
- Bệnh viện Từ Dũ. (2023). Hướng dẫn lâm sàng trong chẩn đoán và điều trị viêm âm đạo do nấm Candida.
- National Library of Medicine (2023). Vaginal Candidiasis.