Trẻ thiếu máu là tình trạng khá phổ biến ở trẻ em hiện nay tại Việt Nam. Đây thật sự là một vấn đề sức khỏe được cảnh báo và đáng được lưu tâm của tất cả các ba mẹ. Nhiều bậc phụ huynh tỏ ra ngỡ ngàng bởi dù trẻ được nuôi dưỡng với chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng nhưng khi làm xét nghiệm kiểm tra vẫn thiếu máu. Vậy vấn đề cần đặt ra là ”Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trẻ thiếu máu ; tại sao trẻ ăn uống đầy đủ chất vẫn thiếu máu; nó có ảnh hưởng gì đến trẻ hay không và giải pháp cho tình trạng này là gì?”
NGUYÊN NHÂN CÓ THỂ GÂY TRẺ THIẾU MÁU :
Dựa vào độ tuổi:
- Trẻ sơ sinh đến 3 tháng tuổi: Nguyên nhân phổ biến nhất của thiếu máu ở lứa tuổi này là thiếu máu sinh lý (xảy ra chủ yếu ở trẻ từ 6-9 tuần tuổi). Do erythropoietin giảm đáng kể từ sau sinh là kết quả của việc tăng oxy mô, làm giảm sản xuất erythropoietin. Ở những trẻ đủ tháng, nồng độ HGB cao > 14 g/dL ở trẻ sơ sinh và sau đó giảm nhanh còn 10-11 g/dL ở 6-9 tuần tuổi.
Trẻ thiếu máu là bệnh lý ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần phân biệt với thiếu máu sinh lý:
+ Thiếu máu HGB < 13.5 g/l trong tháng đầu đời
+ Thiếu máu dưới ngưỡng sinh lý. VD <9g/l
+ Dấu hiệu tan máu như: da kết mạc mắt vàng, nước tiểu sẫm màu..hoặc dấu hiệu thiếu máu như khó chịu hoặc bú kém.
Nguyên nhân hay gặp trẻ thiếu máu bệnh lý sơ sinh gồm: mất máu, bệnh lý tan máu miễn dịch như: bất đồng nhóm máu Rh, ABO, nhiễm trùng sơ sinh, hội chứng truyền máu song thai -Twin-twin transfusion syndrome (TTTS) và thiếu máu tan huyết bẩm sinh như bệnh hồng cầu hình cầu di truyền, thiếu men G6PD.
Tăng bilirubin máu trong giai đoạn sơ sinh gợi ý nguyên nhân tan máu, hồng cầu nhỏ khi sinh gợi ý mất máu mạn tính trong tử cung hoặc thalassemia.
So với trẻ sinh đủ tháng thì trẻ sinh non tháng sẽ có mức HGB và HCT thấp hơn, và đời sống hồng cầu ngắn hơn. Sự sản xuất Erythropietin cũng giảm đi do chức năng gan chưa hoàn thiện. Do đó sự giảm sản xuất hồng cầu xảy ra sớm hơn sau sinh và nặng hơn so với thiếu máu ở trẻ đủ tháng
- Trẻ từ 3-6 tháng tuổi: gợi ý bệnh lý huyết sắc tố. Trẻ thiếu máu do thiếu sắt thường không phải là nguyên nhân gây thiếu máu ở trẻ dưới 6 tháng mà có thể do các nguyên nhân như thiếu máu hồng cầu hình liềm hoặc thiếu máu tan máu- thalassemia.
- Ở những trẻ độ tuổi biết đi hoặc lớn hơn hoặc thanh thiếu niên gợi ý nguyên nhân trẻ thiếu máu thiếu sắt hơn.
Xét nghiệm để xem trẻ thiếu máu thiếu sắt hay không, nên được khuyến cáo ở tất cả những trẻ từ 9-12 tháng. Ở độ tuổi này nếu trẻ bú mẹ hoàn toàn hoặc bú mẹ mà không cung cấp đầy đủ chất sắt là các yếu tố nguy cơ cao thiếu máu do thiếu sắt.
Các xét nghiệm nên được xem xét ở những trẻ có yếu tố nguy cơ: uống quá nhiều sữa bò ở trẻ độ tuổi biết đi 12-36 tháng tuổi; hoặc có kinh nguyệt ở trẻ vị thành niên.
Dựa vào khám lâm sàng:
+ Các yếu tố khai thác về tiền sử, bệnh sử và khám thực thể có thể gợi ý 1 số nguyên nhân gây trẻ thiếu máu. Dựa vào mức độ nặng, các triệu chứng khởi phát, các bằng chứng vàng da hoặc mất máu (triệu chứng về tiêu hóa và kinh nguyệt đối với trẻ lớn), tiếp xúc thuốc và chất độc hại, bệnh lý mạn tính và tiền sử gia đình thiếu máu hoặc các bệnh lý huyết sắc tố…
+ Khám đánh giá lâm sàng cần đánh giá cẩn thận các dấu hiệu: xanh xao, da, kết mạc mắt vàng, gan lách lớn..
Dựa vào cận lâm sàng:
+ Các chỉ số về hồng cầu, hồng cầu lưới và phết máu ngoại vi. Trong đó phết máu ngoại vi cho thấy các đặc trưng gợi ý nguyên nhân đặc hiệu của trẻ thiếu máu và giúp đánh giá các bệnh lý ác tính về máu.
+ Dựa trên các xét nghiệm về chỉ số hồng cầu và hồng cầu lưới có thể giúp thu hẹp chẩn đoán; từ đó đưa ra các xét nghiệm cần thiết tiếp theo để đưa đến chẩn đoán cuối cùng.
+ Chỉ số MCV- thể tích trung bình hồng cầu trong máu cũng cung cấp 1 phân loại sơ bộ của thiếu máu, từ đó xét nghiệm thêm.
Ví dụ
Nguyên nhân phổ biến của MCV giảm là thiếu sắt và thalassemia
MCV bình thường trẻ thiếu máu tán huyết, mất máu, nhiễm trùng, thuốc và thiếu máu do bệnh lý mạn tính
MCV tăng: do các nguyên nhân như thuốc chống động kinh và thiếu vitamin B12 hoặc folate
Hồng cầu lưới: phân biệt các rối loạn là hậu quả của tình trạng phá hủy hoặc mất hồng cầu nhanh chóng (tán huyết hoặc xuất huyết); từ các rối loạn không sản xuất đủ hồng cầu (suy tủy xương). Tán huyết và xuất huyết thường liên quan đến hồng cầu lưới tăng >3%, trong khi đó suy tủy xương liên quan đến hồng cầu lưới giảm.
2. THIẾU MÁU DO THIẾU SẮT
Từ các nguyên nhân đã đề cập phía trên, ở đây chúng ta sẽ tập trung vào thiếu máu do vấn đề về dinh dưỡng đó là Thiếu máu do thiếu sắt (iron deficiency anemia-IDA)
2.1. Những trẻ nào thì dễ có nguy cơ bị thiếu máu thiếu sắt?
+ Trẻ được sinh ra bởi những bà mẹ mà trong quá trình mang thai, đặc biệt những tháng cuối thai kỳ không được cung cấp đủ sắt.
+Trẻ sinh non, đặc biệt là trẻ sinh càng non thì khả năng trẻ thiếu sắt càng nhiều. Tiếp theo nữa là đối với các trẻ sinh đôi, có nghĩa là những đứa trẻ sinh đôi thì thường là cũng có khả năng bị thiếu sắt.
+ Trẻ mà được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn (lượng sắt trong sữa mẹ rất ít) hoặc là được nuôi bằng sữa công thức mà không có lượng sắt nhiều (sắt trong sữa mẹ được hấp thu tốt lên đến 50-60%, trong sữa bò chỉ hấp thu 10-20%)
+ Thiếu thức ăn có nguồn gốc động vật
+ Ăn bột nhiều và kéo dài (trong bột có acid phytic và các phosphat gây giảm hấp thu sắt)
+ Chế độ ăn: Khi mà trẻ bắt đầu ăn dặm nhưng trong chế độ ăn kém những thực phẩm có chứa chất sắt.
+ Đối với trẻ lớn hơn, ví dụ như trẻ trên 1 tuổi, nếu trẻ uống quá nhiều sữa thì cũng có thể là những đối tượng trẻ thiếu máu thiếu sắt, thường trên 600 ml mỗi ngày (Trong sữa tươi có hàm lượng sắt rất ít mà nồng độ canxi và phốt pho lại rất cao. Khi trẻ uống nhiều sữa tươi thì 2 chất này sẽ cạnh tranh hấp thu với sắt trong đường ruột dẫn đến sắt bị kém hấp thu hơn; ngoài ra uống nhiều sữa mỗi ngày làm cho trẻ biếng ăn hơn)
Đây là nguyên nhân mà đối với những trẻ có chế độ ăn đầy đủ và uống nhiều sữa tươi lâu dài vẫn bị thiếu sắt!
+ Hoặc là những đối tượng mà các trẻ có những bệnh lý nền đường tiêu hóa, ví dụ như là kém hấp thu, những bệnh lý tiêu chảy kéo dài hoặc là bệnh lý dị ứng; viêm dạ dày ruột do helicobacter pylori hoặc là những trẻ suy dinh dưỡng nặng, hoặc trẻ bị xuất huyết rỉ rả, hoặc nhiễm giun móc, là những nguyên nhân gây ra tình trạng trẻ thiếu máu thiếu sắt.
+ Đối với trẻ bị suy dinh dưỡng hoặc béo phì thì cũng là những đối tượng nguy cơ tăng khả năng trẻ thiếu máu thiếu sắt.
+ Trẻ được bổ sung sắt nhưng không đủ liều.
2.2. Những biểu hiện thiếu sắt ở trẻ ?
+ Trẻ biếng ăn.
+ Chậm tăng cân.
+ Không tập trung và thường xuyên quấy khóc, dễ mệt mỏi.
+ Da dẻ của trẻ có thể không hồng hào như những trẻ được cung cấp đầy đủ sắt.
+ Sự phát triển về mặt thể chất, cũng như vận động của trẻ có thể không bằng những trẻ bình thường. Còn đối với trẻ lớn hơn thì có thể sẽ mất khả năng tập trung trong cái việc học tập, hay là những hoạt động của trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Rõ ràng chúng ta thấy rằng sắt đóng vai trò cực kỳ quan trọng và nếu như thiếu sắt sẽ dẫn đến trẻ thiếu máu. Nếu trẻ thiếu máu do thiếu sắt thì sẽ dẫn đến những yếu tố làm ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, cũng như là tinh thần của trẻ.
2.3. Chế độ ăn cho trẻ thiếu máu thiếu sắt:
+ Giàu đạm
+ Bổ sung thức ăn giàu chất sắt: thịt đỏ, đỏ đậm, rau xanh đậm, gan,…
+Tăng cường thức ăn giàu vitamin C: cam, quýt, cà chua,…
+ Hạn chế thức ăn ức chế hấp thu sắt: sữa, trà, cà phê, ngũ cốc,…
2.4. Vậy phải bù sắt như thế nào?
– Nếu như con chúng ta là đứa trẻ sinh đủ tháng và bú sữa mẹ hoàn toàn, trong một lít sữa mẹ chỉ có khoảng từ 0,5 mg đến 1,5 mg sắt mà thôi. Rõ ràng như vậy sắt không đủ cho con, vậy thì từ 4 tháng tuổi theo Hiệp Hội Nhi Khoa Hoa Kỳ khuyến cáo phải bổ sung sắt cho con với liều là 1 mg/kg/ngày, tối đa là 15 mg, cho đến khi con được 6 tháng tuổi. Tại vì ở thời điểm 6 tháng tuổi con bắt đầu sẽ ăn những thực phẩm và lúc này chúng ta chú ý tập trung vào những thực phẩm có nhiều chất sắt.
– Nếu như trẻ bú sữa công thức thì chúng ta vẫn nên ưu tiên chọn sữa công thức mà có hàm lượng sắt cao là từ 4-12 mg sắt trong một lít sữa và duy trì cho đến lúc 1 tuổi.
– Riêng với trẻ sinh non, thì nếu như trẻ cân nặng càng thấp và càng non tháng thì việc bù sắt sẽ càng tích cực hơn, nhưng nguyên tắc chung đó là chúng ta sẽ bù với hàm lượng 2-4 mg/kg/ngày, tối đa 15mg/kg/ngày. Nhưng mà thời gian bù thì sẽ phải sớm hơn, bởi vì nghiên cứu thấy rằng khả năng bị thiếu máu thiếu sắt sẽ diễn ra sớm hơn so với những đứa trẻ sinh đủ tháng. Nếu đứa trẻ sinh đủ tháng xảy ra ở bốn tháng tuổi thì đối với trẻ sinh non thường xảy ra ở khoảng 2 tuần tuổi.
– Cho trẻ uống sắt vào thời điểm lúc đói, bởi vì lúc đó sắt sẽ được hấp thu tốt nhất. Ngoài ra khi bù sắt cho con thì cũng cần phải sử dụng những loại trái cây có nhiều vitamin C để tăng cường sự hấp thu sắt.
3. PHÒNG NGỪA THIẾU MÁU
– Duy trì sữa mẹ ít nhất đến 6 tháng tuổi
– Nếu trẻ uống sữa công thức, cần duy trì đến ít nhất 12 tháng với sữa chứa 6-12 mg/l
– Lượng sữa tươi cần hạn chế dưới 500 ml/ ngày
– Trẻ nên được ăn dặm với thức ăn giàu sắt ngay từ khi bắt đầu ăn dặm
– Nếu trẻ xuất hiện do dị ứng đạm bò: cần đổi sang sữa đạm thủy phân..
– Bổ sung sắt cho trẻ sinh non theo khuyến cáo
– Tăng cường thức ăn giàu vitamin C, giàu sắt, hạn chế thức ăn có khả năng ức chế hấp thu sắt.
– Dùng bột có tăng cường chất sắt từ 6-12 tháng
– Xổ giun đối với trẻ > 12 tháng.
Nếu con của bạn có bất kỳ biểu hiện nào của thiếu máu như đã nêu trên thì hãy cho con đi khám bác sĩ. Qua thăm khám, đánh giá và kết hợp các xét nghiệm cần thiết để xem con bạn có thiếu máu thực sự hay không, từ đó đi tìm nguyên nhân gây ra tình trạng này và có hướng điều trị chính xác để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Trường hợp con có chế độ ăn đầy đủ, đã loại trừ các bệnh lý nguy hiểm; thậm chí đã bổ sung sắt mà con vẫn thiếu máu thì cần xem xét liệu chế độ ăn mà ba mẹ nói có đủ chất sắt chưa, thành phần có phù hợp để giúp hấp thu sắt tốt nhất; và liều lượng sắt bù cho con đã đúng chưa nữa nhé. Mong rằng bài viết này có thể giúp ba mẹ hiểu rõ hơn về vấn đề thiếu máu ở trẻ em, từ đó chăm sóc và theo dõi con tốt nhất. Các ba mẹ cần đặt lịch khám hoặc giải đáp sức khỏe của trẻ vui lòng liên hệ Tổng đài 0236 9999 868 để được hỗ trợ
Bs Lê Thanh Thùy – Phòng khám đa khoa Pasteur
Tham khảo: Wikipedia