THÔNG LIÊN NHĨ Ở TRẺ EM (ASD)- BỆNH TIM BẨM SINH

Thông liên nhĩ ở trẻ là dị tật tim bẩm sinh phổ biến, gây ảnh hưởng đến lưu thông máu giữa hai tâm nhĩ. Tìm hiểu dấu hiệu, chẩn đoán, và phương pháp điều trị hiệu quả để bảo vệ sức khỏe tim mạch cho trẻ ngay hôm nay qua bài viết của Bs Lê Thanh Thùy – Phòng khám đa khoa Pasteur chia sẻ sau đây.

1. Thông liên nhĩ là bệnh gì?

Thông liên nhĩ là một tình trạng phổ biến, do tồn tại một lỗ thông ở vách liên nhĩ, chiếm khoảng 10-15% các bệnh lý tim bẩm sinh. Các biểu hiện bệnh cũng như hậu quả của tình trạng này phụ thuộc vào vị trí giải phẫu và kích thước lỗ thông, ngoài ra còn liên quan đến các bất thường tim khác kèm theo.

Trong thời kỳ bào thai, việc hô hấp và trao đổi khí của thai nhi do mẹ phụ trách qua nhau thai. Máu giàu oxy từ mẹ qua nhau thai đổ về tâm nhĩ phải của trẻ. Phổi của con thời kỳ bào thai gần như chưa hoạt động nên máu từ tâm nhĩ phải qua lỗ bầu dục và lỗ thứ phát của vách liên nhĩ qua tâm nhĩ trái và xuống thất trái để bơm máu đi nuôi cơ thể. 

Sau khi sinh thì các lỗ bầu dục và lỗ thứ phát đóng lại. Vì phổi trẻ bắt đầu hoạt động nên máu nghèo oxy từ các tĩnh mạch chủ trên và tĩnh mạch chủ dưới đổ về tâm nhĩ phải xuống tâm thất phải sau đó lên phổi để trao đổi oxy. Máu giàu oxy từ các tĩnh mạch phổi về tâm nhĩ trái và xuống tâm thất trái bơm máu đi nuôi cơ thể.

2. Phân loại và hậu quả khi trẻ bị thông liên nhĩ

– Hầu hết các trường hợp (90%) thông liên nhĩ lỗ thứ phát. 

– Thông liên nhĩ lỗ nguyên phát

– Thông liên nhĩ thể xoang tĩnh mạch (nơi hợp lưu của TM chủ trên và chủ dưới đổ vào tâm nhĩ phải)

– Thông liên nhĩ thể xoang vành (nơi hợp lưu các tĩnh mạch của tim)

*Trong thời kỳ bào thai, phổi chưa hoạt động nên kháng lực mạch máu phổi rất cao dẫn đến làm giảm đổ đầy tâm thất phải. Sau khi sinh, áp lực tâm nhĩ trái cao hơn tâm nhĩ phải, tạo luồng shunt từ trái-phải. Ở giai đoạn đầu, thể tích máu từ trái sang phải rất nhỏ. Giai đoạn sau, khi kháng lực mạch máu phổi giảm, dẫn đến tâm thất phải tái cấu trúc làm giảm áp lực tâm nhĩ phải và thể tích máu qua shunt trái-phải tăng lên.

*Thông liên nhĩ làm tăng lưu lượng máu lên phổi, do đó dễ viêm phổi vì máu là môi trường giàu dinh dưỡng nên tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.

*Tăng tổ chức xơ làm co các mao mạch phổi gây nên tăng sức cản ở phổi, ban đầu sẽ gây tăng áp động mạch phổi, về lâu dài sẽ tăng áp động mạch phổi cố định (không trở về trạng thái bình thường kể cả khi giải quyết được nguyên nhân)

*Gây suy tim phải

Hậu quả:

– Chậm lớn, suy dinh dưỡng

– Hay nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới

– Không tím hoặc tím muộn sau vài năm hoặc hàng chục năm

– Suy tim 

– Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn

Thông Liên Nhĩ Ở Trẻ Em

Diễn tiến tự nhiên của thông liên nhĩ:

*Nếu trẻ bị thông liên nhĩ lỗ thứ phát, và lỗ thông nhỏ có khả năng tự đóng. Ngược lại kích thước lỗ thông từ trung bình đến lớn thì có thể tồn tại dai dẳng và gây ra các triệu chứng theo thời gian. Ngoài ra thông liên nhĩ lỗ nguyên phát, thể xoang tĩnh mạch và thể xoang vành thường không có khả năng tự đóng, thậm chí một vài trường hợp còn có thể tăng kích thước theo thời gian.

*Một số nghiên cứu ở trẻ 5 tháng theo dõi đến 3,5 tuổi có kích thước lỗ thông từ 4-5mm thì khả năng tự đóng hoặc giảm kích thước còn <=3mm chiếm tỷ lệ 86%. Nếu kích thước ban đầu 6-7mm thì tỷ lệ này chiếm 64%, kích thước 8-10mm thì tỷ lệ này chiếm 36% và kích thước >10mm thì không có trường hợp nào có khả năng tự đóng.

*Nếu trẻ có lỗ thông từ trung bình- lớn mà không được sửa chữa thì luồng shunt từ trái sang phải này sẽ tăng lên theo tuổi, làm quá tải về thể tích, suy tim, loạn nhịp nhĩ và có thể gây tăng áp phổi.

*Ở những bệnh nhân lớn nếu thông liên nhĩ không được sửa chữa thì dẫn đến tăng áp phổi không thể đảo ngược được nữa (hội chứng Eisenmenger) dẫn đến áp lực thất phải tăng cao và áp lực nhĩ phải cũng tăng cao, luồng shunt đảo chiều phải-trái, khi đó gây tím. Những bệnh nhân này có nguy cơ cao thuyên tắc nghịch thường, tức xuất hiện huyết khối lên tuần hoàn hệ thống gây nhồi máu não..

3. Biểu hiện bệnh thông liên nhĩ

Hầu hết thông liên nhĩ với kích thước lỗ thông nhỏ không gây triệu chứng cho trẻ. Thường gặp là xuất hiện tiếng thổi ở tim hoặc tình cờ phát hiện qua siêu âm tim.

Trẻ với thông liên nhĩ với kích thước lỗ thông lớn có thể có các triệu chứng của suy tim, nhiễm trùng đường hô hấp tái diễn, chậm lớn..

Các triệu chứng của suy tim: thở nhanh, rale ở phổi, chậm lớn, gan lớn có thể có

Siêu âm tim

Lựa chọn trong chẩn đoán thông liên nhĩ

4. Chẩn đoán bệnh thông liên nhĩ ở trẻ

Thông liên nhĩ hoàn toàn có thể chẩn đoán trước sinh. 

5. Điều trị bệnh thông liên nhĩ ở trẻ

– Những bệnh nhân thông liên nhĩ lỗ thứ phát (ASD) và tồn tại lỗ bầu dục (PFO) có thể tự đóng trong giai đoạn sơ sinh, nhũ nhi. Đối với trường hợp tồn tại lỗ bầu dục (PFO) đơn độc hoặc thông liên nhĩ lỗ thứ phát kích thước <=3mm, không có triệu chứng thì việc theo dõi có thể không cần thiết

– Đối với trẻ có thông liên nhĩ có triệu chứng như lỗ thông liên nhĩ lỗ thứ phát kích thước >=3mm hoặc các lỗ thông nguyên phát/ thể xoang tĩnh mạch/ thể xoang vành nên được theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa tim mạch mỗi 1-2 năm.

1.Khi nào có chỉ định đóng lỗ thông liên nhĩ?

– Trẻ thông liên nhĩ có lớn tim phải, quá tải tuần hoàn phổi, và có bằng chứng của luồng shunt từ trái sang phải đáng kể thì có khuyến cáo đóng lỗ thông liên nhĩ (1B). Các trường hợp này thường liên quan đến thông liên nhĩ trung bình- lớn và các lỗ thông này gần như không khả năng đóng tự nhiên.

– Việc đóng lỗ thông liên nhĩ có thể trì hoãn trong vòng khoảng 2 năm đầu ở những bệnh nhân không có triệu chứng vì vẫn có 1 tỷ lệ nhỏ có thể tự đóng trong 2 năm đầu, kể cả trường hợp lỗ thông trung bình.

2. Lựa chọn phương pháp can thiệp?

  1. Bít dù qua catheter: tỷ lệ thành công tương tự phẫu thuật và biến chứng ít hơn, thời gian nằm viện ngắn hơn. Biến chứng ít gặp, có thể có huyết khối do dụng cụ, đặt sai vị trí hoặc loạn nhịp..
  2. Phẫu thuật: trường hợp thông liên nhĩ lỗ nguyên phát, thể xoang tĩnh mạch, thể xoang vành và các bệnh tim bẩm sinh phức tạp cần phẫu thuật. Ngoài ra nếu ASD lỗ thứ phát nhưng có suy tim thường chỉ định phẫu thuật thay vì bít dù.

Biến chứng sau mổ chiếm tỷ lệ 25-30% gồm tràn dịch màng ngoài tim, tràn dịch màng phổi, loạn nhịp tim, chảy máu, tràn khí màng phổi, nhiễm trùng vết mổ. Một số biến chứng lâu dài như đột quỵ, suy tim, tăng áp phổi ít gặp hơn

3.Theo dõi sau can thiệp?

– Cần theo dõi dài hạn: Khi có các tổn thương tim khác kèm theo, loạn nhịp nhĩ, tăng áp phổi, hoặc ASD phẫu thuật ở người lớn

– Hầu hết trẻ đóng lỗ thông liên nhĩ không có biến chứng gì có thể tham gia các hoạt động thể thao 

– Kháng sinh dự phòng thường không cần thiết sau 6 tháng can thiệp trừ khi vẫn còn luồng shunt tồn dư sau can thiệp

THAM KHẢO

  1. Isolated atrial septal defects (ASDs) in children: Classification, clinical features and diagnosis-Uptodate
  2. Isolated atrial septal defects (ASDs) in children: Management and outcome-Uptodate