LIỆU CHỤP MRI SỌ NÃO CÓ PHẢI LÀ PHƯƠNG TIỆN TỐI ƯU ĐỂ TẦM SOÁT ĐỘT QUỴ?

Liệu chụp MRI (cộng hưởng từ) sọ não có phải là phương tiện tối ưu để tầm soát đột quỵ? Ở bài viết này tập trung cung cấp một số thông tin cơ bản về đột quỵ, không đi sâu vào việc xử trí đối với bệnh nhân đột quỵ.

1. ĐỘT QUỴ LÀ GÌ?

Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não (TBMMN). Đột quỵ xảy ra não bị tổn thương do không nhận đủ oxy, dinh dưỡng. Mạch máu mang oxy và chất dinh dưỡng cho não bị chặnbởi cục máu đông (cục máu đông tắc lại tại chỗ hẹp của mạch máu) hoặc do vỡ mạch máu não. Khi điều đó xảy ra, một phần của não không thể có được máu (và oxy) mà nó cần, dẫn đến mô não chết đi.

2. PHÂN LOẠI ĐỘT QUỴ:

Thông thường có 2 dạng

– Đột quỵ có thể được gây ra bởi một động mạch mạch bị tắc bởi cục máu đông cản trở dòng máu vào não, làm giảm tưới máu đến não, được gọi là nhồi máu não/đột quỵ do thiếu máu cục bộ(ischemic stroke)hoặc bởi một mạch máu bị vỡ và ngăn chặn lưu lượng máu vào não, chèn ép mô não gây tổn thương não được gọi là xuất huyết não (hemorrhagic stroke).

– Nhồi máu não/đột quỵ thiếu máu cục bộ xảy ra khi một động mạch cung cấp máu cho não bị tắc nghẽn, chiếm khoảng 87 % tất cả các loại đột quỵ. Nguyên nhân thường do xơ vữa mạch máu => mảng xơ vỡ ra => hình thành cục máu đông => tắc mạch máu => khu vực não bị thiếu máu => đột quỵ. Mức độ tổn thương phụ thuộc vào phần não bị ảnh hưởng và thời gian não bị giảm tưới máu.

=> Khi cục máu đông tạm thời tự tan ra trước khi thương tổn vĩnh viễn được gọi là TIA – Transient Ischemic Attack (thiếu máu cục bộ thoáng qua), hoặc “đột quỵ nhẹ – mini stroke”, các triệu chứng thường tự mất đi trong vòng vài giờ (< 24h).

– Xuất huyết não chiếm khoảng 13% các trường hợp đột quỵ. Được chia làm 2 loại là xuất huyết nội sọ (intracerebral hemorrhage) hoặc xuất huyết dưới nhện (subarachnoid hemorrhage). Xuất huyết não xảy ra khi mạch máu bị vỡ, nguyên nhân là do tăng huyết ápphình mạch não (aneurysms), dị dạng mạch máu não/dị dạng thông động tĩnh mạch não (arteriovenous malformations – AVMs).

3. DẤU HIỆU SỚM CỦA ĐỘT QUỴ:

Cần lưu ý và ghi nhớ chữ F. A. S.T

– Face droops: Một bên mặt bị rũ xuống hoặc cười không đều (mặt lệch/méo qua một bên)

– Arm weakness: Yếu liệt một nửa nười hoặc mất cảm giác một nửa người

– Speeach difficulty: Nói khó, nói không rõ

– Time: Khi có 1 trong 3 triệu chứng này, cần đưa bệnh nhân đến phòng cấp cứu (nên là khu vực có khoa đột quỵ)

=> Time is brain: Tức là nếu bệnh nhân đột quỵ được xử lý càng sớm thì thời gian phục hồi não càng tốt.

Liệu Chụp Mri Sọ Não Có Phải Là Phương Tiện Tối Ưu Để Tầm Soát Đột Quỵ? Ảnh Minh Họa

4. CƠ CHẾ:

4.1. Nhồi máu não/TBMMN do thiếu máu cục bộ (87%): Thường do 2 cơ chế sau:

– Do huyết khối (Thrombosis): Rối loạn chức năng tế bào nội mô hoặc viêm lớp áo trong (lớp nội mạc) của thành động mạch: do có tác nhân kích thích, điển hình là chất độc trong khói thuốc , các chất này lưu hành trong máu và gây tổn thương tế bào nội mô. Từ đó, các vị trí tổn thương hình thành các mảng xơ vữa. Mảng xơ vữa được tạo thành từ mỡ, cholesterol, calci và các tế bào miễn dịch tích tụ, dần dà cản trở dòng chảy của máu. Các mảng xơ vữa gồm 2 phần, bên trong mềm, bên ngoài được bao bọc bởi lớp bao xơ cứng. Thông thường phải mất nhiều năm mới hình thành mảng xơ vữa, các mảng xơ vữa làm nghẽn tắc từ từ một phần mạch máu. TBMMN do thiếu máu cục bộ xảy ra khi động mạch đột ngột bị tắc nghẽn hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn. Khi mảng xơ vữa nằm trong thành mạch, nó sẽ chịu áp lực liên tục từ các lực cơ học bởi các dòng máu chảy, khi bao xơ bị bong ra => phần lõi bên trong trở thành tác nhân gây đông máu => hình thành cục máu đông bít tắc tại lòng động mạch => động mạch có thể tắc nghẽn hoàn toàn trong vòng 1 phút.

– Thuyên tắc (Embolism): TBMMN do thiếu máu cục bộ xảy ra khi cục máu đông bong ra tại 1 vị trí nào đó => trôi theo dòng máu => bị chặn lại ở 1 mạch máu khác (những mạch máu có đường kính nhỏ hơn). Cục máu đông có thể hình thành do mảng xơ vữa hoặc do huyết khối từ tim.

4.2. Xuất huyết não (13%):

Xuất huyết não xảy ra theo 3 cơ chế sau:

– Áp lực mao mạch tăng: Nguyên nhân hàng đầu là tăng huyết áp. Đặc biệt là người lớn tuổi mạch máu không bền vững, khi có tăng huyết áp rất dễ vỡ mạch máu. Cần lưu ý rằng tăng huyết áp cũng gây nên nhồi máu não thông qua xơ vữa động mạch. Tăng huyết áp càng cao càng lâu thì xơ vữa động mạch càng nhiều. Ngược lại xơ vữa động mạch càng nặng nề thì càng dẫn đến tăng huyết áp và xuất huyết não.

– Yếu tố thành mạch: mảng xơ vữa tạo nên những phình mạch hay bẩm sinh có dị dạng biến dạng.

– Rối loạn đông máu do điều trị: do dùng thuốc chống đông liều cao hay thủ thuật xâm nhập.

5. YẾU TỐ NGUY CƠ ĐỘT QUỴ: (YTNC)

5.1. YTNC không thể thay đổi được:

– Tuổi (> 55 tuổi): Bất cứ ai cũng có thể bị đột quỵ ở mọi lứa tuổi. Nhưng tuổi cao làm tăng đột quỵ. Đối với mỗi 10 năm của cuộc sống sau 55 tuổi, nguy cơ của bạn bị đột quỵ nhiều hơn gấp đôi.

– Giới (nam > nữ): Đột quỵ xảy ra thường xuyên hơn ở nam giới, nhưng nhiều phụ nữ chết vì đột quỵ hơn đàn ông (nguyên nhân là phụ nữ gặp phải những vấn đề đặc thù giới tính như: mang thai, thời kỳ tiền mãn kinh, dùng thuốc tránh thai,… Các vấn đề này làm gia tăng nguy cơ đột quỵ. Bên cạnh đó, họ cũng bị mắc các bệnh lý khác tương tự nam giới như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu,…).

– Chủng tộc: Người Mỹ gốc Phi có nguy cơ tử vong và khuyết tật cao hơn nhiều so với người da trắng.

– Yếu tố gia đình/di truyền

– Tiền sử đột quỵ

--> Các YTNC trên mặc dù không thể thay đổi được nhưng có ý nghĩa mang tính cảnh báo để mọi người cần chú ý hơn

5.2. Yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được

– Tăng huyết áp: Huyết áp từ 140/90 trở lên có thể làm tổn thương các mạch máu (động mạch) cung cấp máu cho não, thúc đẩy hình thành xơ vữa động mạch.

– Bệnh lý tim mạch: Bệnh tim là yếu tố nguy cơ quan trọng thứ hai đối với đột quỵ và là nguyên nhân chính gây tử vong ở những người sống sót sau đột quỵ. Một số bệnh lý tim mạch có thể kể đến làm tăng nguy cơ đột quỵ đó là rung nhĩphì đại tâm thất trái, suy tim.

– Hút thuốc lá: làm tăng nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ.

– Đái tháo đường: Người bị ĐTĐ tăng nồng độ cholesterol và triglycerid hoặc các chất béo hiện diện trong máu => hình thành mảng xơ vữa. Những người bị đái tháo đường có nguy cơ đột quỵ tăng gấp 2 lần và đột quỵ chiếm #20% số ca tử vong ở bệnh tiểu đường.

– Rối loạn lipid máu: Khi rối loạn lipid máu sẽ dẫn đến hình thành mảng xơ vữa. Cholesterol có 3 thành phần cơ bản là:

+ LDL-Cholesterol: Đây là loại cholesterol xấu, khi tăng nhiều trong máu sẽ dẫn đến lắng đọng ở thành mạch máu và gây nên mảng xơ vữa động mạch.

+ HDL-Cholesterol: Đây là loại cholesterol tốt, chiếm khoảng 1/4 – 1/3 tổng số cholesterol trong máu. Nó vận chuyển cholesterol ra khỏi máu làm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch. Khi nồng độ HDL trong máu thấp thì nguy cơ bệnh tim mạch tăng.

+ Triglycerides: Khi lượng triglycerides trong máu tăng cao thường kèm theo tăng LDL và giảm HDL, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

– Hẹp động mạch cảnh không triệu chứng

– Bệnh thiếu máu hồng cầu lưỡi liềm.

– Béo phì, lối sống tĩnh tại, ít vận động

– Chế độ ăn nhiều muối:làm tăng nguy cơ tăng huyết áp

– Viêm và nhiễm trùng: Mức độ của dấu ấn sinh học viêm có liên quan đến tăng nguy cơ đột quỵ. Những lý do cho sự liên quan của chứng viêm với đột quỵ nguy cơ vẫn chưa chắc chắn (xơ vữa động mạch được công nhận là có đặc tính viêm cao).

– Sử dụng hormone sau mãn kinh

Nguyên Nhân Gây Ra Đột Quỵ
Nguyên nhân gây ra đột quỵ

6. NHỮNG PHƯƠNG PHÁP TẦM SOÁT ĐỘT QUỴ

– Điều quan trọng là ngay khi còn khỏe mạnh đó là cần có lối sống lành mạnh bao gồm chế độ ăn cân bằng, tập thể dục thường xuyên, không hút thuốc, hạn chế rượu bia và hạn chế căng thẳng. Việc kiểm soát yếu tố nguy cơ ngay khi vừa xuất hiện sẽ giúp giảm nguy cơ đột quỵ. Tuy nhiên vẫn có những yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được như tuổi, giới, di truyền… thì đó có giá trị về mặt cảnh báo.

– Tầm soát đột quỵ được hiểu đầy đủ là tầm soát các yếu tố nguy cơ cao đột quỵ. Không còn một lý do để chờ đợi đột quỵ xảy ra, trong khi nó có thể được dự phòng bằng việc tầm soát sớm. Các chương trình tầm soát chất lượng được chứng minh là cứu sống và có sẵn với giá cả phải chăng.

– Đối tượng tầm soát đột quỵ: tầm soát đột quỵ được khuyến nghị dành cho những đối tượng có 1 hoặc nhiều YTNC:

+ Trên 40 tuổi

+ Bệnh lý tim mạch

+ Người bị thừa cân

+ Cholesterol cao cholesterol

+ Nhịp tim không đều

+ Tăng huyết áp

+ Hút thuốc lá (quá khứ hoặc hiện tại)

+ Bệnh tiểu đường

+ Lối sống tĩnh tại

+ Tiền sử gia đình có người thân bị đột quỵ hoặc từng bị đột quỵ

+ Sử dụng hormone sau mãn kinh

  • Tầm soát đột quỵ bao gồm:

– Lấy dấu hiệu sinh tồn: Kiểm tra mạch, nhiệt độ, huyết áp, chiều cao, cân nặng, SpO2, tần số thở.

– Khám lâm sàng:

+ Hỏi bệnh: Bác sĩ cần khai thác tiền sử của bệnh nhân, hỏi về các YTNC của đột quỵ (BMI, bệnh lý tim mạch, tiền sử gia đình, tiền sử thuốc lá số gói/năm…)

+ Thăm khám: Bác sĩ đánh giá bệnh nhân qua việc thăm khám lâm sàng (nhìn, sờ, gõ nghe).

– Cận lâm sàng:

Xét nghiệm máu: công thức máu; xét nghiệm chức năng thận; Cholesterol toàn phần, HDL, LDL; glucose máu; điện giải đồ…

Thăm dò chức năng: Điện tim (ECG) – ghi lại hoạt động điện trong tim, ghi lại nhịp tim, tân số tim, phát hiện một số bệnh lý bất thường như rung nhĩ, rối loạn nhịp…;

+ Chẩn đoán hình ảnh:

Siêu âm Doppler động mạch cảnh: có thể cho thấy mức độ hẹp của động mạch cũng như tình trạng các mảng xơ vữa, tắc nghẽn có thể dẫn đến đột quỵ

Siêu âm Doppler tim: phát hiện một số bất thường ở buồng tim, các bệnh lý van tim bẩm sinh và bệnh lý mạch vành. Nó cũng có thể tìm thấy cục máu đông trong tim trước khi chúng di chuyển đến não và gây ra đột quỵ.

. Siêu âm bụng tổng quát: phát hiện bất thường trong ổ bụng. Sàng lọc phình động mạch chủ bụng (Abdominal Aortic Aneurysm Screening – AAA)…

. Soi đáy mắt trực tiếp: Giúp đánh giá tổn thương đáy mắt do bệnh lý mạch máu của tăng huyết áp và đái tháo đường, kiểm tra vấn đề về tầm nhìn.

. Chụp CT Scan sọ não: có thể xác định được một số các bất thường ở phần xương sọ, xoang và nhu mô não và phát hiện các bất thường mạch máu não.

. Chụp MRI não và mạch máu não: MRI cho ra hình ảnh chụp chi tiết não và mạch não một cách rõ nét, giúp phát hiện ra các bất thường như dị dạng mạch máu và ít ảnh hưởng đến sức khỏe.

– Cần lưu ý rằng: Không phải bất kỳ đối tượng nào cũng cần làm hết tất cả các chỉ định cận lâm sàng, bác sĩ thăm khám sẽ là người khai thác thông tin về bệnh lý và hướng đến những chỉ định có ý nghĩa. Phương tiện tầm soát đột quỵ cần có hiệu quả trong việc phát hiện sớm, sẵn có và giá cả hợp lý.

– Tầm soát đột quỵ nên được lặp lai cứ sau 1 – 2 năm.

– Trả lời cho câu hỏi đặt ra ở đầu bài: LIỆU CHỤP MRI (CỘNG HƯỞNG TỪ) SỌ NÃO CÓ PHẢI LÀ PHƯƠNG PHÁP TỐI ƯU ĐỂ TẦM SOÁT ĐỘT QUỴ KHÔNG? Câu trả là “KHÔNG”. Có thể thấy rằng MRI là phương pháp tối ưu để CHẨN ĐOÁN đột quỵ chứ không phải để tầm soát. Thông qua MRI ta có thể phát hiện một số bệnh lý bất thường ở mạch máu và những tổn thương ở não. Tuy nhiên cần nhắc lại rằng, có đến 87% TBMMN (đột quỵ) xảy ra do thiếu máu não cục bộ, mà nguyên nhân là mạch máu đến não bị tắc nghẽn do mảng xơ vữa hay huyết khối. Đối với thể xuất huyết não chiếm khoảng 13% các trường hợp TBMMN, nguyên nhân hàng đầu là do tăng huyết áp (gây tăng áp lực mạch máu não), kế đến là những bất thường ở thành mạch. Tùy vào từng đối tượng với những YTNC mà bác sĩ hướng đến có thể cho chỉ định chụp MRI sọ não, tuy nhiên nó không thể được áp dụng tràn lan quảng cáo là phương tiện để tầm soát đột quỵ tối ưu được. Bởi vì tính hiệu quả để phát hiện không cao, chi phí tốn kém và không phải cơ sở y tế nào cũng sẵn có.

7. DỰ PHÒNG ĐỘT QUỴ

– Kiểm soát huyết áp (đích < 140/90 mmHg, nếu có bệnh đồng mắc < 130/80 mmHg).

– Aspirin liều thấp ở bệnh nhân có nguy cơ 10 năm bệnh tim mạch > 10% (đối với BN bị rung nhĩ hoặc có tình trạng tăng đông máu).

– Kiểm soát cân nặng:

+ Kiểm soát BMI (Body Mass Index): 18.5 – 22.9 kg/m2 (tiêu chuẩn đối với người châu Á)

+ Kiểm soát chu vi vòng bụng: chỉ số vòng eo trên vòng mông (Waist-hip ratio – WHR): Nam < 0.9 và nữ < 0.7.

– Kiểm soát đường huyết: Glucose máu < 110 mg/dL và HbA1c < 7%

– Điều trị rối loạn lipid máu

– Lối sống:

+ Hoạt động thể lực: Tối thiểu 30 phút/ngày, hoạt động thể lực trung bình, khoảng 5 ngày/tuần.

+ Chế độ ăn: chế độ ăn DASH (Dietary Approaches to Stop Hypertension), chế độ ăn Địa Trung Hải (Mediterranean diet), giảm tiêu thụ Natri trong khẩu phần ăn hàng ngày (< 1500mg)

+ Bỏ thuốc lá

– Tầm soát đột quỵ với đối tượng có YTNC đột quỵ.

TÓM LẠI

– Đột quỵ hay còn gọi là TBMMN gồm 2 thể: Nhồi máu não/Thiếu máu cục bộ và xuất huyết não.

– Những dấu hiệu sớm nhận biết đột quỵ: F.A.S.T (mặt rũ một bên, yếu liệt một nửa người hoặc mất cảm giác một nửa người, nói khó) để bệnh nhân vào khoa cấp cứu càng sớm càng tốt (Time is brain).

– Dự phòng đột quỵ bằng lối sống lành mạnh; quản lý các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, rối loạn lipid máu… bằng cách tuân thủ điều trị, kiểm tra định kỳ…. và tầm soát đột quỵ.

Tầm soát đột quỵ: Dành cho đối tượng có nguy cơ cao. Thông thường bao gồm khám lâm sàng, một số chỉ định cận lâm sàng về sinh hóa máu đánh giá chức năng thận, điện tim, siêu âm… . Phương tiện tầm soát đột quỵ cần có hiệu quả trong việc phát hiện sớm, sẵn có và giá cả hợp lý.

– Tầm soát đột quỵ nên được lặp lai cứ sau 1 – 2 năm.

Bs Phan Ngọc Huyền – Phòng khám đa khoa Pasteur

Tham khảo: yhoc.io