SỎI TÚI MẬT Ở THAI NHI 34 TUẦN

Chúng ta chỉ thường hay nghe hay đọc thấy bệnh lý sỏi túi mật ở người lớn hay trẻ em; nhưng nay lại biết thêm ở thai nhi cũng có sỏi túi mật. Nhân một trường hợp thai nhi ~34 tuần có sỏi túi mật được Ths.Bs Đồng Thị Hồng Trang – Trưởng Đơn vị Sản phụ khoa Hiếm muộnPhòng khám đa khoa Pasteur phát hiện qua siêu âm thai, cùng tìm hiểu về sỏi túi mật của thai nhi để các mẹ an tâm nhé!

1.Sỏi túi mật thai nhi là gì?

Túi mật là một cấu trúc dạng túi nhỏ nằm gần gan và chứa dịch mật, là dịch mà cơ thể sử dụng để tiêu hóa thức ăn. Đôi khi dịch ở bên trong túi mật không được hòa tan hoàn toàn và nó có thể có sỏi hoặc bùn trong đó. Điều này khá thường gặp ở người lớn và trẻ em, nhưng hiếm hơn, nó cũng có thể xảy ra ở thai nhi trong tam cá nguyệt thứ 3 của thai kỳ. Khi điều này được quan sát thấy trên siêu âm thai, chúng ta gọi là sỏi túi mật thai nhi (fetal cholelithiasis hay fetal gallstones).

2. Làm thế nào để chẩn đoán và theo dõi sỏi túi mật ở thai nhi

Sỏi túi mật thai nhi thường được chẩn đoán trên siêu âm thường quy một vài tháng trước sinh. Sỏi túi mật thai được quan sát thấy ở 1/100 em bé. Khi sỏi túi mật thai nhi được chẩn đoán, không cần thiết phải xét nghiệm gì thêm hoặc theo dõi thêm.

Sỏi Túi Mật Ở Thai Nhi 34 Tuần Ảnh Minh Họa

3. Nguyên nhân là gì?

Nguyên nhân của sỏi túi mật thai vẫn chưa được biết rõ. Nó không liên quan đến giới tính thai hoặc các bất thường khác. Hơn 75% trường hợp là đơn độc, không đi kèm các bất thường khác của mẹ và thai; phần còn lại là sỏi túi mật thai trên các bệnh nhân có các vấn đề sức khỏe từ trước (thường hiếm xảy ra); các vấn đề sức khỏe có liên quan đó là: Nhau bong non, mẹ sử dụng ma túy, nhịn ăn kéo dài, bệnh tiểu đường các type, tiền sử mẹ có sỏi mật, bất đồng nhóm máu ABO hoặc Rh, bất thường giải phẫu thai nhi, các bất thường về mặt di truyền, nước ối ít hoặc thai chậm tăng trưởng.

4. Sỏi túi mật thai nhi có nguy hiểm không và cần điều trị thế nào?

Sỏi túi mật thai có xu hướng tự thoái triển mà không cần điều trị gì trước khi em bé được 1 tuổi. Sau sinh, trẻ có thể được theo dõi mỗi vài tuần đến 1 tháng với siêu âm để kiểm tra xem sỏi túi mật đã thoái triển hay chưa.

Hầu hết, các trẻ không có triệu chứng gì; chỉ điều trị khi trẻ có triệu chứng sau sinh như: Nôn mửa, vàng nhẹ củng mạc mắt, đặc biệt là trong 1 – 3 tuần đầu đời.

Nếu trẻ được đánh giá và sỏi túi mật được nghĩ tới là nguyên nhân gây nên các triệu chứng này, trẻ có thể được điều trị bằng thuốc gọi là acid ursodeoxycholic cho đến khi sỏi túi mật biến mất. Rất hiếm khi trẻ có thể có các triệu chứng và kết quả đánh giá cho thấy sỏi mật đang làm tắc dòng chảy của dịch tiêu hóa và gây viêm túi mật, được gọi là cholecystitis. Trong trường hợp cực kỳ kiếm gặp nữa, phẫu thuật có thể được khuyến cáo để cắt bỏ túi mật. Phẫu thuật này sẽ chữa khỏi sỏi mật và viêm túi mật.

Ths.Bs Đồng Thị Hồng Trang – Trưởng Đơn vị Sản phụ khoa Hiếm muộn – Phòng khám đa khoa Pasteur