Siêu âm trong thai kỳ là gì? Các bao nhiêu loại siêu âm hiện nay được sử dụng.. Tại sao phải siêu âm và siêu âm nhiều có bị ảnh hưởng hay nguy cơ gì không.. Chắc chắn đó là những câu hỏi mà rất nhiều chị em phụ nữ luôn thắc mắc và tìm kiếm câu trả lời..
Ở bài viết sau đây THS BS Đồng Thị Hồng Trang tại phòng khám đa khoa Pasteur sẽ giới thiệu cũng như phân tích và nêu rõ đầy đủ vấn các đề liên quan đến việc siêu âm trong thai kỳ để bạn đọc có thêm kiến thức và biết thêm.
Siêu âm trong thai kỳ là gì
Siêu âm là xét nghiệm trước sinh được sử dụng cho hầu hết phụ nữ mang thai. Siêu âm sử dụng sóng âm để ghi lại hình ảnh thai nhi trong tử cung, giúp bác sĩ kiểm tra sức khỏe và sự phát triển của thai nhi.
Siêu âm là một điều đặc biệt – đó là lần đầu tiên bạn “nhìn thấy” con bạn! Bạn có thể thấy tay, chân và các bộ phận khác của cơ thể thai nhi tùy vào từng giai đoạn hoàn thiện và theo tư thế của thai nhi. Bạn cũng có thể biết được em bé là trai hay gái, vì vậy hãy yêu cầu người siêu âm giữ bí mật nếu bạn không muốn biết!
Hầu hết thai phụ được siêu âm trong quý thứ hai ở tuần thứ 16 đến 20 của thai kỳ. Một số người có thể được siêu âm trong ba tháng đầu (còn gọi là siêu âm sớm) vào trước tuần thứ 14 của thai kỳ. Trao đổi với bác sĩ siêu âm về thời gian siêu âm phù hợp với bạn.
Xem thêm bài viết : Các mốc siêu âm thai nhi mẹ nên biết
Tại sao cần phải siêu âm trong thai kỳ?
Bác sĩ sẽ sử dụng siêu âm để:
- Xác nhận (chắc chắn) rằng bạn đang có thai.
- Kiểm tra tuổi thai nhi và tình trạng tăng trưởng, giúp tính toán ngày dự sinh của bạn.
- Kiểm tra nhịp tim, trương lực cơ, cử động và sự phát triển toàn diện của thai nhi.
- Kiểm tra xem bạn có đang mang thai sinh đôi, sinh ba hay nhiều hơn không (còn gọi là đa thai).
- Để sàng lọc các khuyết tật bẩm sinh, như tật nứt đốt sống hoặc các khiếm khuyết ở tim. Sàng lọc có nghĩa là kiểm tra xem thai nhi có khả năng cao mắc các vấn đề sức khỏe không; nó không khẳng định được thai nhi chắc chắn mắc bệnh. Sau khi siêu âm, bác sĩ có thể đề nghị làm thêm các xét nghiệm mang tính chẩn đoán, giúp xác định xem thai nhi có mắc dị tật bẩm sinh không. Dị tật bẩm sinh là những vấn đề sức khỏe có từ ngay sau sinh. Dị tật bẩm sinh gây thay đổi về hình dạng hoặc chức năng của một hay nhiều bộ phận của cơ thể. Chúng có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe toàn thể, về cách thức phát triển và hoạt động của cơ thể.
- Hỗ trợ thực hiện các xét nghiệm trước sinh khác, như sinh thiết gai nhau dưới hướng dẫn của siêu âm.
- Để kiểm tra buồng trứng và tử cung. Buồng trứng là nơi dự trữ trứng trong cơ thể.
- Để kiểm tra các biến chứng của thai kỳ, bao gồm thai ngoài tử cung, chửa trứng và sẩy thai.
Có những loại siêu âm nào?
Có nhiều loại siêu âm, mỗi loại được lựa chọn sử dụng tùy theo mục đích thăm khám của bác sĩ và theo từng thời kỳ mang thai. Tất cả các loại siêu âm đều sử dụng một công cụ gọi là đầu dò, đầu dò sử dụng sóng âm để ghi lại hình ảnh thai nhi lên máy tính. Các loại siêu âm phổ biến nhất là:
+ Siêu âm qua bụng. Là loại siêu âm thường được nhắc đến. Bạn nằm ngửa trên bàn khám, bác sĩ sẽ thoa lên vùng bụng một lớp gel mỏng. Gel giúp sóng âm truyền đi dễ dàng hơn để có được hình ảnh rõ nét hơn. Sau đó, bác sĩ sẽ di chuyển đầu dò trên bụng của bạn. Bạn cần phải làm đầy bàng quang trong quá trình siêu âm vì sóng âm truyền qua chất lỏng tốt hơn truyền qua không khí. Siêu âm không đau, nhưng bàng quang căng đầy có thể gây khó chịu. Thời gian siêu âm khoảng 20 phút.
+ Siêu âm qua ngã âm đạo. Loại siêu âm này đưa đầu dò vào bên trong âm đạo. Bạn nằm ngửa trên bàn khám và đặt bàn chân lên hai bàn đạp. Bác sĩ siêu âm sẽ đưa đầu dò nhỏ vào trong âm đạo của bạn. Bạn có thể cảm thấy sức ép do đầu dò ép vào nhưng nó không gây đau. Bàng quang cần được làm rỗng hoặc chỉ nên chứa một ít nước tiểu. Loại siêu âm này cũng mất khoảng 20 phút.
Trong những trường hợp đặc biệt, bác sĩ có thể sử dụng các loại siêu âm sau để ghi nhận thêm thông tin về thai nhi:
- Siêu âm Doppler: Loại siêu âm này được sử dụng để kiểm tra dòng máu chảy của thai nhi nếu thai nhi tăng trưởng không bình thường. Bác sĩ siêu âm sử dụng đầu dò để nghe nhịp tim và đánh giá dòng máu chảy trong dây rốn và trong một số mạch máu của thai. Bạn cũng được siêu âm Doppler nếu bạn bị bệnh Rhesus. Đây là bệnh về máu gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho trẻ nếu không được điều trị. Siêu âm Doppler thường được sử dụng trong ba tháng cuối, nhưng cũng có thể sớm hơn.
- Siêu âm 3-D: Siêu âm 3 chiều sẽ chụp hàng ngàn hình ảnh cùng một lúc để tạo ra một hình ảnh 3 chiều rõ nét. Một số bác sĩ sử dụng siêu âm 3-D để kiểm tra tình trạng tăng trưởng và phát triển các cơ quan của thai nhi. Bạn cũng có thể đi siêu âm 3-D để kiểm tra các bệnh lý của tử cung.
- Siêu âm 4-D: Cũng giống như siêu âm 3-D, nhưng nó ghi lại các cử động của thai nhi thành một video.
Siêu âm có gây nguy cơ gì không?
Siêu âm là xét nghiệm an toàn cho bạn và thai nhi. Bởi vì siêu âm sử dụng sóng âm thay vì bức xạ nên nó an toàn hơn chụp X-quang. Các bác sĩ sử dụng siêu âm đã hơn 30 năm mà không có bất kỳ nguy cơ nguy hiểm nào.
Siêu âm rất tốt trong loại trừ các vấn đề sức khỏe, nhưng không hiệu quả trong việc tìm ra các vấn đề sức khỏe, nó có thể bỏ sót một số dị tật bẩm sinh. Đôi khi, siêu âm thường quy có thể phát hiện nhầm khuyết tật bẩm sinh. Sau khi làm các xét nghiệm tiếp theo thường cho thấy em bé khỏe mạnh, phát hiện nhầm lẫn này có thể gây lo lắng cho bậc cha mẹ.
Một số nơi như các cửa hàng trong trung tâm thương mại cung cấp dịch vụ siêu âm 3-D hoặc 4-D cho các bậc cha mẹ, nhưng không có các bác sĩ hay nhân viên y tế nào khác ở đó để siêu âm cho bạn. Trường Đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ, Cục Quản lý Thực phẩm và Thuốc, Viện Siêu âm Y khoa Hoa Kỳ không khuyến cáo sử dụng các dịch vụ siêu âm không thuộc y khoa. Những người làm dịch vụ siêu âm đó có thể không được đào tạo về y khoa và có thể sẽ đem lại thông tin sai lệch, chậm chí có hại cho bạn.
Nên làm gì sau khi siêu âm?
Đối với hầu hết phụ nữ, siêu âm cho thấy thai nhi đang phát triển bình thường. Nếu siêu âm cho kết quả bình thường, chỉ cần tiếp tục kiểm tra thai kỳ ở những lần sau.
Đôi khi siêu âm cho thấy bất thường và bạn cùng với thai nhi cần được chăm sóc đặc biệt. Ví dụ, nếu siêu âm cho thấy dị tật nứt đốt sống, thai nhi có thể được can thiệp điều trị ngay trong bụng mẹ từ trước khi sinh. Nếu siêu âm cho thấy thai nhi ở ngôi mông (chân ở dưới thay vì đầu ở dưới), bác sĩ sẽ cố gắng đổi tư thế của em bé để đầu hướng xuống, hoặc cần phải mổ lấy thai (còn gọi là mổ chữ C) . Mổ lấy thai là phẫu thuật nhằm giúp thai nhi được sinh ra qua một vết mổ trên thành bụng và thành tử cung của bạn.
Dù siêu âm ghi nhận thấy điều gì thì cũng nên trao đổi với bác sĩ của bạn về cách chăm sóc tốt nhất cho bạn và em bé.
- Tư vấn sức khỏe trước khi mang thai cho các chị em lưu ý
- Sàng lọc và chẩn đoán trước sinh – Phát hiện sớm bất thường ở thai nhi
- Lịch khám thai định kỳ chuẩn cho các mẹ bầu
…..
Như vậy bài viết trên đây BS Đồng Thị Hồng Trang đã gửi đến cho bạn đọc đầy đủ các kiến thức về “Siêu Âm Trong Thai Kỳ” là như thế nào cũng như các vấn đề liên quan khác… Ngoài ra nếu cần tư vấn _ trao đổi hay hỗ trợ đầy đủ hơn các bạn có thể liên hệ trực tiếp đến hotline 023 63811868 của Pasteur để được các bác sĩ chuyên sâu thăm khám và đưa ra những lời khuyên tốt nhất
Chúc các mẹ bầu luôn có thai kỳ mạnh khỏe
THS BS Đồng Thị Hồng Trang
Phòng khám đa khoa Pasteur
Tài liệu tham khảo: https://www.marchofdimes.org/pregnancy/ultrasound-during-pregnancy.aspx