Túi mật nằm ở đâu? Có chức năng gì.. Việc phẫu thuật cắt bỏ túi mật có nguy hiểm không? ảnh hưởng gì đến sức khỏe.. Những lý do tại sao sao phải cắt bỏ túi mật và có bao nhiêu phương pháp phẫu thuật hiện nay…
Tất cả các câu hỏi cũng như những thắc mắc của mọi người sẽ được phòng khám đa khoa Pasteur chia sẻ đầy đủ và chi tiết qua bài viết sau đây
Túi mật là gì?
Túi mật là cơ quan nhỏ có hình quả lê nằm dưới gan. Túi mật có chức năng lưu trữ mật – là chất lỏng do gan tạo ra và giúp cơ thể tiêu hóa chất béo. Khi bạn ăn một bữa ăn có chất béo, túi mật sẽ đổ mật vào ống mật để xuống ruột non, hỗ trợ cho quá trình tiêu hóa thức ăn.
Phẫu thuật cắt bỏ túi mật là gì?
Phẫu thuật cắt bỏ túi mật nhằm mục đích cắt bỏ túi mật.
Có 2 phương pháp chính để cắt bỏ túi mật:
+ Phẫu thuật nội soi: Bác sĩ phẫu thuật sử dụng dụng cụ nội soi, là một ống dài, mỏng, có ánh sáng và có gắn camera nhỏ ở đầu ống để quan sát bên trong cơ thể thông qua hệ thống màn hình ở bên ngoài. (Dụng cụ nội soi hay còn được gọi là ống nội soi). Phẫu thuật viên rạch vài vết mổ nhỏ trên cơ thể, sau đó đưa ống nội soi qua một vết mổ và các dụng cụ đặc biệt khác thông qua các vết mổ còn lại.
Tiếp theo phẫu thuật sử viên dụng ống nội soi và các dụng cụ phẫu thuật để tiến hành thao tác. Ở Mỹ, hầu hết các phẫu thuật cắt bỏ túi mật được thực hiện bằng phẫu thuật nội soi. Tuy nhiên, đôi khi cần phải phẫu thuật hở khi tình trạng nhiễm trùng hoặc sẹo ở túi mật và ống mật khiến phẫu thuật nội soi không an toàn.
+ Phẫu thuật hở: Bác sĩ phẫu thuật sẽ tạo một vết mổ đủ lớn trên thành bụng của bạn để tiến hành phẫu thuật trực tiếp.
Tại sao phải cắt bỏ túi mật?
Lý do phổ biến nhất nhằm mục đích điều trị sỏi mật. Sỏi mật là những viên sỏi nhỏ hình thành bên trong túi mật, có thể làm tắc nghẽn ống mật. Sỏi mật có thể gây viêm, đau và các triệu chứng khác.
Bài viết này bàn về việc cắt bỏ túi mật nhằm mục đích điều trị sỏi mật, tuy nhiên cũng có thể gặp trong trường hợp điều trị ung thư túi mật. Tuy nhiên, đối với nguyên nhân do ung thư, đôi khi việc cắt bỏ được tiến hành rộng rãi và nhiều hơn chỉ đơn thuần là túi mật.
Cần chuẩn bị gì trước cuộc phẫu thuật?
Trước khi phẫu thuật:
- Bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu để kiểm tra xem chức năng gan bạn có bình thường không.
- Bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm, là một kỹ thuật sử dụng sóng âm thanh ghi lại hình ảnh bên trong cơ thể của bạn. Siêu âm sẽ ghi lại hình ảnh sỏi, giãn hoặc tắc nghẽn ống mật nếu bạn có các tình trạng kể trên.
- Nếu sỏi làm tắc nghẽn ống mật, bác sĩ có thể chỉ định kỹ thuật ERCP – hay còn gọi là “Nội soi mật tụy ngược dòng”. Trong kỹ thuật này, bác sĩ đưa “ống nội soi” vào trong cổ họng của bạn. Ống nội soi có một camera nhỏ và đèn ở đầu ống. Bác sĩ tiến hành luồn ống nội soi qua dạ dày và vào ruột của bạn, đến lỗ đổ của ống dẫn mật vào ruột. Sau đó, bác sĩ tiêm một loại thuốc cản quang đặc biệt (hiển thị hình ảnh dưới tia X) thông qua ống nội soi dẫn thuốc đến túi mật, gan, tuyến tụy và tiến hành chụp X-quang, từ đó bác sĩ có thể nhìn thấy những nơi có thuốc cản quang. Trong một số trường hợp, bác sĩ cũng có thể sử dụng ống nội soi để lấy sỏi hoặc nong cho ống mật rộng ra để những viên sỏi nhỏ có thể đi qua.
- Bác sĩ có thể cho bạn tiêm kháng sinh qua đường tĩnh mạch, giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng trong và sau phẫu thuật.
Lợi ích của việc cắt bỏ túi mật là gì?
Nếu bạn được phẫu thuật để điều trị sỏi mật, lợi ích chính là làm triệu chứng mất đi.
Những nguy cơ của việc phẫu thuật cắt bỏ túi mật là gì?
Nguy cơ của phẫu thuật là thấp, tuy nhiên chúng có thể bao gồm:
- Tổn thương đường dẫn mật
- Rò rỉ mật
- Chảy máu
- Tổn thương ruột
- Nhiễm trùng
- Bỏ sót sỏi mật “bị mắc kẹt” trong ống mật (cần phải lấy bằng ERCP sau phẫu thuật)
Tôi sẽ hồi phục như thế nào?
Việc hồi phục có một chút khác nhau tùy thuộc vào việc bạn phẫu thuật nội soi hay phẫu thuật hở.
- Nếu phẫu thuật nội soi, bạn có thể ra viện trong ngày, tuy nhiên đôi khi bạn sẽ phải ở lại. Mặc dù vết mổ trên thành bụng có kích thước nhỏ, nhưng bạn vẫn được phẫu thuật giống như phẫu thuật hở. Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn nghỉ ngơi và tránh nâng vật nặng, thể thao và bơi lội ít nhất một tuần.
- Nếu bạn được phẫu thuật hở, bạn có thể sẽ phải ở lại bệnh viện từ 1 đến 2 ngày. Trong thời gian sau phẫu thuật, cố gắng bắt đầu đi bộ càng sớm càng tốt. Ngoài ra, thực hiện các bài tập thở mà y tá của bạn đề xuất. Sau khi về nhà, bạn có thể thực hiện hầu hết các hoạt động sinh hoạt bình thường của mình, tuy nhiên bạn nên tránh nâng vật nặng, thể thao và bơi lội trong vài tuần.
Nếu bạn đang dùng thuốc giảm đau gây nghiện trong quá trình hồi phục sau phẫu thuật, bạn có thể bị táo bón. Hãy thử các biện pháp làm mềm phân để tránh vấn đề này.
Hãy gọi cho bác sĩ nếu bạn phát triển bất kỳ triệu chứng nào sau đây trong vòng vài tuần sau phẫu thuật:
- Sốt hoặc ớn lạnh
- Đỏ hoặc sưng xung quanh vết mổ
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Chuột rút hoặc đau bụng dữ dội
- Đầy hơi (cảm giác bụng chứa đầy hơi)
- Vàng da hay vàng mắt
- Nước tiểu sậm màu
Phẫu thuật có làm ảnh hưởng đến việc tiêu hóa của cơ thể?
Phẫu thuật không ảnh hưởng đến tiêu hóa nhiều. Nhưng khoảng một nửa số người có các triệu chứng nhẹ nhàng sau phẫu thuật, bao gồm đại tiện phân lỏng, trung tiện hoặc đầy hơi. Những triệu chứng này thường trở nên tốt hơn sau đó.
Các bạn có thể xem thêm 1 số bài viết hữu ích khác