Lẹo mắt và chắp mắt là bệnh lý thường gặp kể cả ở trẻ em và người lớn. Hai bệnh lý này đều gây đau nhức ở mắt và khiến người bệnh khó chịu khi nhìn.
Lẹo mắt thường nhầm với chắp. Lẹo mắtđược hình thành từ sự nhiễm trùng ở vùng chân lông mi nên thường tạo cảm giác đau, khó chịu. Lẹo còn có thể được gây ra bởi sự viêm nhiễm lan rộng từ tình trạng viêm bờ mi sẵn có, hay trong các ống tuyến nhờn bị nhiễm trùng.
Chắp được hình thành từ sự tắc nghẽn ống tuyến nhờn của mi mắt nên không gây đau. Chắp là biến chứng của lẹo mắt nếu không điều trị dứt điểm khỏi hẳn, do sự chèn ép các tuyến.
Hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn về nguyên nhân, cách điều trị qua bài viết của Bs Nguyễn Trung Tính – Phòng khám đa khoa Pasteur ngay sau đây
1. Giải phẫu mi mắt
– Mi mắt là vùng có da mỏng nhất cơ thể, chức năng của mi mắt là bảo vệ mắt khỏi ánh sáng, nhiệt độ cao và chấn thương. Mỗi khi nháy mắt là mỗi lần kết mạc và giác mạc được vệ sinh.
– Trừ ngoài vào trong, mi mắt có 5 lớp: da -> cơ vòng mi -> các sụn mi -> cơ nâng mi -> kết mạc thể mi.
– Trong mi mắt có các tuyến:
+ Tuyến Meibomian: tiết ra dầu giúp ngăn ngừa sự bay hơi quá nhanh của nước mắt và hạn chế khô mắt
+ Tuyến Moll và tuyến Zeis: Liên kết với các nang lông mi, tiết ra bã nhờn giúp các lông mi mềm mại và linh hoạt.
2. Lẹo mắt
– Lẹo mắt là tình trạng viêm cấp tinh của mi mắt, với biểu hiện thường gặp là: khối sưng đỏ khu trú ở mi mắt và đau, triệu chứng thường phát triển nhanh (trong ngày)
– Bệnh học: Lẹo có thể là lẹo mắt ngoài hoặc lẹo mắt trong. Lẹo ngoài do viêm các tuyến ở nông (Moll hoặc Zeiss), còn lẹo trong do viêm tuyến ở sâu (Meibomian). Hầu hết lẹo có vi trùng xâm nhập (tụ cầu vàng), tuy nhiên một số trường hợp có thể vô trùng. Những bệnh nhân có bệnh lý da (viêm da tiết bã,…) có thể thường xuyên bị lẹo. Trang điểm mắt, đặc biệt nếu chất trang điểm bị nhiễm bẩn có thể dẫn đến lẹo.
– Điều trị:
+ Hầu hết bệnh có thể tự khỏi được dù không điều trị
+ Dẫn lưu dịch: chườm ấm và ẩm (4 lần/ngày, 5-10 phút/lần) giúp dẫn lưu dịch/mủ do viêm. Massage sau khi chườm ấm cũng giúp hỗ trợ. Cân nhắc rạch tháo mủ nếu các biện pháp trên không có hiệu quả.
+ Dùng kháng sinh trong trường hợp có biến chứng viêm tổ chức trước vách (sưng đỏ mi mắt lan tỏa và đau mắt một bên)
3. Chắp mắt
– Chắp biểu hiện điển hình là khối sưng khu trú, không đau ở mi mắt, và thường không viêm đỏ như lẹo. Chắp thường phát triển rất chậm (tiến triển vài ngày đến vài tuần)
– Chắp thường là do tắc các tuyến Zeis hoặc Meibomian. Lẹo cũng có thể chuyển thành chắp nếu quá trình viêm nhiễm qua đi.
– Điều trị:
+ Nếu không điều trị, chắp cần vài tuần đến vài tháng để khỏi.
+ Điều trị bằng cách dẫn lưu chắp (giảm sự tắc nghẽn) bằng chườm ấm (4 lần/ngày, 5-10 phút/lần). Nếu tổn thương kéo dài quá 1-2 tháng thì cân nhắc rạch và nạo chắp/ hoặc tiêm corticoid.
+ Trường hợp chắp kéo dài hoặc tái lại thường xuyên (đặc biệt khi cùng một vị trí) nên xét nghiệm mô bệnh học để loại trừ Ung thư.
Tham khảo: Wikipedia
>> Mọi chi tiết về sức khỏe, quý khách hàng cần hỗ trợ tư vấn hoặc đặt lịch khám vui lòng liên hệ Tổng đài 0236 9999 868
Bs NGUYỄN TRUNG TÍNH – Phòng khám đa khoa Pasteur