1.Mụn nhọt da là gì?
Mụn nhọt da là tình trạng nhiễm trùng da phổ biến ở nang lông và vùng da xung quanh gây nên triệu chứng đau. Đa số trường hợp nhọt da đều lành tính không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nếu được chăm sóc hiệu quả. Một số trường hợp, nhọt da phát triển thành cụm làm tình trạng nhiễm trùng lan rộng hay nhiễm trùng máu nếu xử trí không đúng cách.
2.Nguyên nhân và triệu chứng của nhọt da
Hầu hết nhọt da do tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) gây nên. Tụ cầu vàng có thể xâm nhập vào cơ thể qua vết cắt, vết xước…Đặc biệt ở những người có nguy cơ bị nhiễm trùng da cao hơn như: đái tháo đường, suy giảm miễn dịch, vệ sinh da kém…
Nhọt da có kích thước bằng hạt đậu nhưng có thể phát triển thành quả bóng golf. Các triệu chứng của nhọt da có thể bao gồm:
- Sưng, đỏ và đau
- Trên nốt sưng có đầu màu trắng hoặc vàng
- Dịch bên trong sẽ vỡ và chảy ra ngoài
- Mệt mỏi, khó chịu
- Sốt
3.Các vị trí thường gặp của nhọt da
Nhọt da có thể hình thành ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể, nhưng thường gặp nhất ở mặt, cổ, nách, vai, lưng và mông. Những vùng da nhiều lông và mồ hôi là những vị trí điển hình, hoặc vùng da thường ma sát như bên trong đùi. Nhọt da cũng có thể xuất hiện vùng vùng quanh tai hoặc gần mũi. Nhọt da hình thành ở gần mí mắt được gọi là mụt lẹo.
Các loại mụn nhọt thường hay gặp
- Nhọt cụm hay nhọt chùm : Ðây là một áp xe trong da do vi khuẩn Staphylococcus aureus gây ra. Nó có thể có một hoặc nhiều lổ trên bề mặt da và có thể đi kèm với sốt hoặc lạnh run.
- Mụn bọc : Ðây là một loại áp xe được hình thành khi các ống tuyến bã bị bít tắc và nhiễm trùng. Mụn bọc thường gặp nhất ở lứa tuổi thanh thiếu niên.
- Viêm tuyến mồ hôi mưng mủ : Ðây là một bệnh mà có nhiều ổ áp xe hình thành ở nách và vùng bẹn. Những vùng này là kết quả của viêm khu trú các tuyến mồ hôi.
- U nang lông : Ðây là một kiểu áp xe xuất hiện ở nếp gấp của mông. Nó thường hình thành sau một chuyến đi dài mà phải ngồi.
4.Chăm sóc nhọt da như thế nào?
Phần lớn nhọt da có thể được chăm sóc tại nhà. Chườm gạc sạch, ấm và ẩm nhiều lần trong ngày giúp nhọt sớm cải thiện. Sau khi nhọt da vỡ và chảy nước, đảm bảo vùng da thương tổn sạch sẽ, vệ sinh và thay băng mỗi ngày. Không tự ý chích rạch hay nặn nhọt vì có thể làm tình trạng nhiễm trùng thêm nghiêm trọng.
Để tránh lây lan vi khuẩn ra môi trường xung quanh, người bệnh cần:
- Thường xuyên rửa tay
- Tránh chạm tay vào nhọt
- Không nên dùng chung các đồ dùng cá nhân của người bệnh như khăn tắm, dao cạo râu, ga trải giường…
5.Khi nào cần liên hệ bác sĩ?
Nếu chăm sóc nhọt da tại nhà không cải thiện sau một tuần, hãy liên hệ với bác sĩ. Các lý do khác cần có sự tư vấn của bác sĩ bao gồm:
- Nhọt ở mặt hoặc xương sống
- Sốt hoặc vết đỏ xung quanh vị trí nhọt
- Nhọt có kích thước lớn hoặc có triệu chứng đau
- Nhọt tái phát
Bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh hoặc sử dụng dụng cụ vô trùng chích rạch để đảm bảo an toàn.
Tham khảo: WebMD
#pasteurclinic
#nhot