Hen phế quản Những thông tin quan trọng ba mẹ cần biết

Vào những ngày thời tiết thay đổi, con xuất hiện cơn khò khè, khó thở kịch phát về đêm, sau khi được thở khí dung thì con hết khó thở. Vậy con bị gì và thở khí dung thuốc gì mà lại “thần kỳ” có thể làm con hết triệu chứng ngay? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về hen phế quản là nguyên nhân gây khò khè, khó thở thường gặp ở trẻ cũng như là bệnh cần sử dụng thuốc đường khí dung nhiều nhất!

1. HEN PHẾ QUẢN LÀ BỆNH GÌ?

Hen phế quản là bệnh gì?

Theo Tổ chức Toàn cầu phòng chống Hen phế quản (GINA) năm 2024, Hen là một bệnh không đồng nhất, thường đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính của đường thở. Hen phế quản được định nghĩa là bệnh lý gồm những triệu chứng hô hấp (khò khè, khó thở, nặng ngực, ho) thay đổi theo cường độ và thời gian, cùng với sự giới hạn dao động luồng khí thì thở ra.

Theo báo cáo năm 2018 của Mạng lưới hen toàn cầu (Global Asthma Network – GAN), ước tính khoảng 300 triệu người mắc hen và số ca tử vong do hen lên đến khoảng 1000 người/ngày. Tần suất mắc hen đang gia tăng, đặc biệt là hen phế quản trẻ em. Hen cũng là nguyên nhân chính khiến trẻ phải nghỉ học, cũng như là gánh nặng kinh tế lớn cho gia đình.

  • Cơn hen cấp là gì?

Cơn hen cấp là tình trạng các triệu chứng của hen nặng lên đột ngột như khó thở, ho, khò khè, nặng ngực cùng với giảm chức năng hô hấp.

Cơn hen cấp có nhiều mức độ, có thể từ nhẹ nhàng cho đến rất nặng, thậm chí đe dọa tính mạng của trẻ. Các phụ huynh cần nắm rõ các đặc điểm để nhận biết con đang lên cơn hen cấp, để kịp thời cho trẻ dùng thuốc giãn phế quản và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất khi cần thiết.

Những thông tin quan trọng về hen phế quản

  • Vì sao hen vừa là một bệnh mạn tính lại vừa lên cơn cấp?

Cơn hen cấp xuất hiện do tình trạng co thắt đột ngột cơ trơn phế quản, kết hợp với viêm phù nề niêm mạctăng tiết nhầy gây tắc nghẽn đường hô hấp cấp, làm trẻ khó thở.

Cơn hen cấp có thể được xử trí bằng thuốc giãn phế quản (phun khí dung hoặc bình xịt). Tuy nhiên, tình trạng viêm đường thở kéo dài và tái phát nhiều lần sẽ gây tái cấu trúc đường thở, làm giảm độ đàn hồi và dẫn đến tắc nghẽn không hồi phục nếu không được điều trị dự phòng phù hợp.

Vì vậy, hen phế quản vừa cấp tính với những cơn hen cấp cần xử trí kịp thời, đồng thời là một bệnh mãn tính cần theo dõi, tái khám và dự phòng định kỳ. Hen phế quản cần được điều trị lâu dài ngay cả khi không có triệu chứng.

2. TRIỆU CHỨNG GỢI Ý HEN PHẾ QUẢN

Cơn hen cấp có nhiều mức độ, có thể từ nhẹ nhàng cho đến rất nặng, thậm chí đe dọa tính mạng của trẻ. Vì vậy, những dấu hiệu nào để ta nhận biết con đang lên cơn hen cấp? Và nếu con lên cơn phải xử trí thế nào?

  • Triệu chứng gợi ý cơn hen cấp
– Con đột ngột khó thở hoặc khò khè nghe rõ
– Ho tăng, đặc biệt vào ban đêm hoặc sáng sớm.
– Li bì hoặc giảm vận động.
– Hạn chế hoạt động hàng ngày, kể cả ăn uống
  • Xử trí cơn hen cấp tại nhà như thế nào
– Giữ bình tĩnh.
– Xịt 2-4 nhát thuốc giãn phế quản (thường là salbutamol 100 mcg) cách nhau 20-30 giây giữa các nhát và có thể dùng lại sau 20 phút nếu cần thiết. Không nên dùng quá 3 lần trong 1 giờ.
– Theo dõi dấu hiệu khó thở nếu không cải thiện cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức.

3. CÁC BỆNH LÝ CÓ THỂ NHẦM LẪN VỚI HEN Ở TRẺ DƯỚI 5 TUỔI

Khò khè là tình trạng rất thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Ước tính khoảng 40% trẻ em sẽ có khò khè ít nhất một lần trong đời, và tới 70% các trẻ này khò khè không phải do bệnh hen. Vậy, các bệnh lý nào có thể nhầm lẫn với hen ở trẻ <5 tuổi?

  • Viêm tiểu phế quản cấp: Là bệnh lý sốt kèm khò khè thường gặp, do virus hợp bào đường hô hấp (RSV) gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ <24 tháng và không đáp ứng với thuốc giãn phế quản phun khí dung. Bệnh thường tự giới hạn, tuy nhiên con có thể tiếp tục khò khè lành tính mãi 2-3 tuần sau bắt đầu bị bệnh.
  • Khò khè do nhiễm virus: Ở trẻ <5 tuổi, tần suất viêm hô hấp trên có thể lên đến 6-8 đợt/năm. Điều này cũng lý giải được tại sao con có nhiều đợt ho, chảy mũi liên tục trong một năm.
  • Dị vật đường thở: 

Nguyên nhân: Hít sặc thức ăn, đồ chơi kích thước nhỏ,…

Hóc dị vật có thể gặp ở mọi lứa tuổi và thường là tình trạng cấp cứu, khởi phát đột ngột các triệu chứng tím tái, khó thở sau khi hít sặc dị vật và phải xử trí cấp cứu ngay. Một số trường hợp dị vật nhỏ có thể không biểu hiện rầm rộ mà dưới dạng khò khè tái diễn hay viêm phổi nhiều lần, cần phải báo cho bác sĩ hoàn cảnh xuất hiện triệu chứng của con để định hướng nguyên nhân phù hợp kịp thời.

  • Trào ngược dạ dày – thực quản (GERD): Dạ dày ở trẻ nhỏ có cấu trúc tròn, nằm ngang và có cơ thắt yếu, khiến dịch dạ dày và thức ăn rất dễ trào ngược lên khoang miệng và nhiều lúc lọt vào đường thở. Con thường có biểu hiện ho khi nằm hoặc sau khi bú no. Ở trẻ nhỏ vì vậy không nên nằm ngay sau khi ăn hay bú no, nếu trớ sữa thường xuyên nên được nằm đầu cao một góc ~30 độ so với mặt đất.
  • Ho gà: Ho thành tràng dài không ngừng được với tiếng rít hít vào đặc trưng và có thể gây nôn.
  • Lao: Khò khè, ho kéo dài, sốt không đáp ứng với kháng sinh thông thường, nổi hạch. Đặc biệt nguy cơ rất cao ở các trẻ không được tiêm chủng lao đầy đủ ở tháng đầu sau sinh.
  • Dị tật bẩm sinh như dị dạng vòng mạch máu, mềm sụn thanh quản: Khò khè, khó thở khi khóc hoặc bú, các triệu chứng khởi phát sớm sau sinh và đáp ứng kém với thuốc điều trị hen.
  • Các bệnh tim bẩm sinh máu lên phổi nhiều: Là tập hợp một số bất thường cấu trúc bẩm sinh của tim, khiến lượng máu từ tuần hoàn hệ thống đổ vào tuần hoàn phổi. Nếu tiến triển, có thể có các biểu hiện như con khó thở, tím và đổ mồ hôi nhiều khi gắng sức. Nếu con bú chỉ được các khoảng ngắn, đổ mồ hôi nhiều hay phải ngừng để nghỉ ngơi trong một cữ bú, nên đưa con đến khám ngay.

Trên đây là một số bệnh lý có thể nhầm lẫn với tình trạng hen phế quản ở trẻ nhỏ <5 tuổi. Các triệu chứng rất đa dạng và mơ hồ, nên cần có bác sĩ chuyên khoa thăm khám cũng như các xét nghiệm kiểm tra. Nếu có thắc mắc hay con có các dấu hiệu trên, hay đến ngay Phòng khám đa khoa Pasteur để được kiểm tra và phát hiện kịp thời!

4. LƯU Ý GÌ KHI DÙNG BÌNH XỊT ĐỊNH LIỀU CHO TRẺ BỊ HEN PHẾ QUẢN

Hen là bệnh lý khó trị, cần dùng các loại thuốc xịt dài ngày. Tuy nhiên việc sai về kỹ thuật có thể khiến thất thoát từ 50% đến 80% lượng thuốc cho con, khiến bệnh không khỏi và kéo dài, gây nhiều hậu quả nặng nề. Vậy cần lưu ý những gì khi dùng bình xịt định liều (MDI) cho con bị hen?

Hen phế quản Những thông tin quan trọng ba mẹ cần biết Ảnh minh họa

Chuẩn bị dụng cụ:

  • Dùng đúng loại thuốc (phân biệt nhờ màu sắc).
  • Đảm bảo còn thuốc, còn hạn sử dụng.
  • Đối với trẻ nhỏ (đặc biệt là dưới 6 tuổi), nên sử dụng buồng đệm kèm theo bình xịt.

Chuẩn bị tư thế trẻ: Đặt trẻ ở tư thế ngồi thẳng lưng hoặc đứng để hít thở dễ dàng hơn. Lưu ý không nên xịt lúc con đang nằm vì trọng lực sẽ kéo thuốc dính chủ yếu vào thành họng mà không xuống phổi của con.

Các bước thực hiện (tham khảo hình ảnh bên dưới):

  • Bước 1: Mở nắp bình xịt và lắc kỹ bình xịt trong vòng 5 giây để trộn đều thuốc.
  • Bước 2: Gắn MDI vào buồng đệm sao cho bình xịt ở vị trí thẳng đứng (đầu ngậm nằm ở phía dưới).
  • Bước 3: Đầu trẻ nên được giữ thẳng và hơi ngửa ra sau.
  • Bước 4: Đưa mặt nạ che kín mũi và miệng của trẻ hoặc miệng trẻ ngậm chặt ống ngậm của buồng đệm.
  • Bước 5: Dùng ngón cái và ngón trỏ ấn xịt bình hít để đưa liều thuốc vào buồng đệm, lưu ý mỗi lần chỉ xịt 1 nhát thuốc và hít vào chậm qua miệng khoảng 5 nhịp (đếm nhẩm 10s).
  • Mỗi lần xịt, trẻ phải hít hết thuốc trong bầu hít.
  • Nếu cần xịt nhát tiếp theo, đợi 30 giây đến 1 phút, rồi lặp lại các bước trên.

Vệ sinh bình xịt và buồng đệm:

  • Vệ sinh bình xịt: Vệ sinh sạch thường xuyên ít nhất 1-2 lần/tuần. Lau sạch đầu xịt để tránh tắc nghẽn.
  • Vệ sinh buồng đệm:

+ Tháo rời từng bộ phận, vệ sinh bằng nước ấm và nước xà phòng pha loãng như nước rửa chén mỗi tuần 1 lần hay khi buồng đệm bẩn hoặc khi thuốc bám nhiều trên thành buồng đệm.

+ Không chà xát mặt trong buồng đệm vì sẽ tạo lực tĩnh điện, khi cho con hít sẽ khiến thuốc bị dính vào thành buồng đệm mà không vào phổi.

+ Vẩy cho ráo nước, úp khô tự nhiên theo chiều dọc qua đêm.

+ Mặt nạ thì vệ sinh thường xuyên hơn.

Lưu ý: Sau mỗi lần hít thuốc corticosteroid, cần hướng dẫn trẻ súc miệng bằng nước sạch.

5. PHÒNG NGỪA HEN PHẾ QUẢN

Hen phế quản là một bệnh lý mạn tính và phụ thuộc nhiều vào cơ địa của trẻ. Việc phòng ngừa hen theo Bộ Y Tế hướng dẫn có thể chia làm 2 loại: Phòng ngừa hen tiên phát là hạn chế nguy cơ con khởi phát bệnh hen, và Phòng ngừa hen thứ phát là phòng ngừa con lên các đợt hen cấp.

Cụ thể, các biện pháp phòng ngừa hen tiên phát:

  • Khuyến khích đẻ thường, không nên mổ đẻ.
  • Nuôi con bằng sữa mẹ. 
  • Không khuyến khích sử dụng kháng sinh phổ rộng, paracetamol cho trẻ trong năm đầu đời.
  • Không để bà mẹ đang mang thai và trẻ sau khi sinh tiếp xúc với khói thuốc lá.

Các biện pháp phòng ngừa hen thứ phát:

  • Tránh khói thuốc lá kể cả khói thuốc lá thụ động,khói bếp, các hoá chất hoặc bụi nhà, phấn hoa, các dị nguyên khác.
  • Phòng ngừa nhiễm trùng đường hô hấp bằng cách tiêm phòng vaccine cúm, phế cầu.
  • Tránh các thuốc chống viêm không steroid, thuốc chẹn beta, thức ăn, các chất phụ gia nếu biết các chất này gây triệu chứng hen.
  • Giảm cân cho trẻ thừa cân/béo phì.
  • Đeo khẩu trang, quàng khăn, mặc ấm để giữ nhiệt độ, độ ẩm và làm ấm không khí khi trời lạnh.
  • Quản lý các bệnh dị ứng như viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa.

Những việc cần làm để giúp phòng ngừa bệnh hen có thể thấy, đều rất đơn giản và gần gũi, nhưng để nghiêm túc thực hiện khá khó khăn và cần sự hợp tác từ cả gia đình. Nếu có thể thực hành được các biện pháp này không chỉ giúp trẻ thoát khỏi sự nguy hiểm của bệnh hen phế quản, mà còn giúp trẻ và cả gia đình có một lối sống lành mạnh hơn.

Các phụ huynh cùng đồng hành với bác sĩ trong công cuộc phòng chống hen nhé! Nếu ba mẹ có thắc mắc về hen phế quản, ba mẹ có thể liên hệ Tổng đài 0236 9999 868 để được hỗ trợ tư vấn nhé!

Bs Trần Minh Trang – Phòng khám đa khoa Pasteur
Nguồn tài liệu
  1. GINA 2024.
  2. Bộ Y Tế (2016), “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hen trẻ em dưới 5 tuổi”.
  3. Hội Nhi khoa Việt Nam và Hội Hô hấp TP. Hồ Chí Minh (2024), “Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí hen nhũ nhi”.
  4. Mayo Clinic (2023), “Childhood Asthma”.
  5. NIH News in Health (2017), “Reducing Children’s Chances of Asthma”.