Hăm da vùng tã do nấm men là một tình trạng phổ biến, thường gặp ở trẻ dưới 1 tuổi. Nấm men trên cơ thể phát triển quá mức và gây ra tình trạng nổi ban ở vùng tã. Điều trị thuốc kháng nấm có thể loại bỏ tình trạng ban da này và ngăn ngừa tái phát. Bs Lê Thanh Thùy – Phòng khám đa khoa Pasteur chia sẻ đến các ba mẹ về tình trạng này.
1. Hăm da vùng tã là gì
Hăm da vùng tã là tình trạng phổ biến gây ra vùng da đỏ, sưng nề, tím, gây đau rát ở gần vùng mặc tã của trẻ. Nấm men là một loại nấm sống trong cơ thể với số lượng nhỏ, thường được tìm thấy ở miệng, da và đường ruột. Cơ thể chúng ta cũng có các loại vi khuẩn có lợi, giúp kiểm soát sự cân bằng hệ vi sinh vật ngăn chặn nhiễm trùng. Khi cân bằng giữa nấm men và vi khuẩn có lợi mất đi, lúc này nấm men sẽ phát triển và gây ra hăm da.
Nấm men hay gây hăm da vùng tã ở trẻ, đặc biệt là nấm Candida albicans. Phân bị nhiễm bệnh chính là nguyên nhân chủ yếu gây hăm da vùng tã do nấm Candida.
Phân biệt “Viêm da vùng tã” và “Nhiễm nấm men”?
Nhiễm nấm men có thể gây ra hăm da vùng tã, nhưng có sự khác nhau giữa 2 chẩn đoán trên:
Nhiễm nấm men
+ Da có thể có mụn nhọt, bóng lên, khô nứt hoặc rỉ nước với vùng da xung quanh đỏ sậm hoặc tím.
+ Xuất hiện ở vùng nếp gấp da gần háng, cẳng chân và bộ phận sinh dục
+ Ban có thể ở một số vùng nhỏ hơn, dọc theo vùng mặc tã
+ Điều trị thuốc kháng nấm, loại bỏ ban sau vài tuần điều trị
Hăm da vùng tã
+ Da có thể khô, đóng vảy hoặc nhẵn với nền da xung quanh hồng hoặc tím
+ Xuất hiện ở bề mặt lớn như mông
+ Ban có thể ở vùng nhỏ dọc theo vùng mặc tã
+ Điều trị kem bôi hăm tã có thể loại bỏ tổn thương sau một vài ngày

2. Hăm da vùng tã do nấm có thể ảnh hưởng đến cơ thể trẻ như thế nào?
Hăm da vùng tã có thể gây kích ứng da và trẻ sẽ cảm thấy không thoải mái như khóc, ngứa nhiều…
3. Các biểu hiện hăm da vùng tã do nấm?
– Vị trí xuất hiện: nếp gấp da như háng, bộ phận sinh dục, mông, và đùi..
– Các triệu chứng:
+ Mảng da đỏ sậm hoặc tím
+ Mụn nước nhỏ
+ Ban căng bóng
+ Ngứa, đau nhẹ và khó chịu
Nặng hơn có thể gây vết loét gây đau đớn cho trẻ, có thể rỉ dịch hoặc máu khi da trẻ bị bong ra do ma sát với vùng mặc tã.
Nguyên nhân
Vì nấm men là loại ưa sống ở môi trường ẩm ướt. Do đó vùng tã là môi trường thuận lợi nhất để nấm phát triển.
Các yếu tố góp phần phát triển nấm quá mức
+ Ít hoặc không có sự lưu thông không khí trên da
+ Phân và nước tiểu bám vào da một thời gian khá dài (xuyên suốt đêm)
+ Các chất liệu tã cọ xát trên da nhiều lần
+ Tác dụng phụ của thuốc kháng sinh sử dụng cho trẻ hoặc mẹ sử dụng kháng sinh trong thời kỳ cho con bú..

4. Điều trị hăm da vùng tã do nấm
Điều trị thuốc kháng nấm (kem, mỡ hoặc viên uống) để ngăn chặn sự phát triển quá mức của nấm và điều trị hăm da. Đối với các trường hợp hăm da vùng tã mức độ nặng, bác sĩ có thể đề nghị bôi steroid (hydrocortisone) để giải quyết vấn đề này.
Bạn có thể sử dụng thuốc bôi kháng nấm không kê đơn như clotrimazole để điều trị hăm da vùng tã do nấm. Tuy nhiên lựa chọn điều trị này có thể có hiệu quả nhưng không hoàn toàn loại bỏ ban nếu không được bác sĩ chẩn đoán chính xác.
Một số lựa chọn điều trị gồm:
– Vệ sinh sạch vùng da bị hăm thường xuyên: Vì ban da gây cảm giác vô cùng khó chịu cho trẻ, do đó cần vệ sinh nhẹ nhàng khu vực này với nước và khăn mềm. Khăn lau dùng một lần sẽ rất hữu ích, nhưng tránh khăn chứa cồn hay hương thơm. Thấm nhẹ khô vùng mặc tã thay vì chà xát hay để khô tự nhiên.
– Bôi thuốc lên vùng ban da: Sau khi điều trị ban da với thuốc kháng nấm, có thể bôi một lớp dày thuốc mỡ bảo vệ như loại chứa kẽm oxit.
– Thường xuyên thay tã cho bé: ít nhất một lần ban đêm và nếu có thể, hãy để thoáng vùng da bé trong một khoảng thời gian ngắn để tăng thông khí. Đảm bảo vùng mặc tã thoáng rộng rãi để vùng bẩn không cọ xát nhiều vào da bé.
*Sau khi điều trị thuốc, các tổn thương da sẽ bắt đầu mờ dần và biến mất sau 3 ngày. Tuy nhiên sự phát triển quá mức của nấm có thể vẫn còn tồn tại sau khi các triệu chứng đã giảm dần và biến mất. Vì vậy quan trọng là cần điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo tình trạng ban da này không tái phát. Có thể mất 2-3 tuần để loại bỏ hoàn toàn.
5. Phòng ngừa hăm da vùng tã
– Tránh sử dụng khăn lau chứa cồn hay hương nước hoa
– Thay tã cho trẻ thường xuyên
– Không dán tã quá chặt; để thoáng khí hoặc để thoáng vùng da bé trong một thời gian ngắn
– Sử dụng loại tã có khả năng thấm hút cao
– Sử dụng thuốc mỡ hoặc kem để tạo vùng bảo vệ giữa tã và da bé
– Hãy thảo luận về tác dụng phụ của thuốc (ví dụ kháng sinh) mà bạn hoặc con bạn đang dùng với bác sĩ.
6. Khi nào nên cho con tái khám?
Nếu bạn thấy xuất hiện vùng hăm da và việc điều trị các loại thuốc mỡ/ kem bôi thông thường không có hiệu quả, kích thước vùng hăm tã tăng lên và gây ra triệu chứng khó chịu nghiêm trọng cho bé, bạn nên đưa con đến gặp bác sĩ Nhi khoa. Nếu ban da trở nên loét, thậm chí chảy máu hoặc rỉ dịch vàng/ trong, các dấu hiệu này có thể là một tình trạng nhiễm trùng và bạn cần cho con thăm khám bác sĩ ngay để kịp thời điều trị.
THAM KHẢO: Cleveland Clinic