Đau bụng đẻ và các phương pháp giảm đau trong khi sinh

Thế nào là cơn đau khi chuyển dạ và khi rặn đẻ ?

Cơn đau bụng đẻ khác nhau đối với mỗi phụ nữ và mỗi thai kỳ. Nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, gồm kích thước của thai và tư thế nằm của thai trong tử cung. Cơn đau thường nhẹ khi chuyển dạ, nhưng sẽ trầm trọng hơn khi càng đến gần hơn với việc rặn đẻ.

Cơn đau có thể đến từ cả các cơn co tử cung và sau đó là từ âm đạo của bạn, kéo dài đến khi thai được đưa ra ngoài.

Đau Bụng Đẻ

Tôi có nên lập kế hoạch để kiểm soát cơn đau của tôi không?

Trao đổi với bác sĩ, hoặc nữ hộ sinh vào cuối thai kỳ về cách bạn có thể kiểm soát cơn đau khi chuyển dạ và rặn đẻ. Có nhiều cách để kiểm soát cơn đau, và không có cách nào hiệu quả với tất cả mọi người, vì vậy cần tìm cách phù hợp với mỗi người.

Dù việc lập kế hoạch trước khi chuyển dạ mang lại lợi ích nhưng kế hoạch của bạn vẫn có thể thay đổi vì cuộc chuyển dạ có thể gây đau ít hoặc nhiều hơn bạn nghĩ.

Có những cách gì có thể giúp tôi kiểm soát cơn đau?

Bạn có thể kiểm soát cơn đau của mình bằng:

  • Những việc bạn có thể tự làm
  • Thuốc

Tôi có thể tự làm gì để kiểm soát cơn đau?

Để giúp xoa dịu cơn đau, bạn có thể:

  • Di chuyển xung quanh, thay đổi tư thế
  • Tập các bài tập giúp thư giãn hoặc thở đúng cách
  • Tắm vòi hoa sen
  • Massage vùng lưng
  • Đặt túi chườm nóng hoặc chườm lạnh sau lưng
  • Nghe nhạc
  • Đi dạo
  • Có một người bầu bạn lúc sinh- là một người luôn ở bên bạn trong quá trình chuyển dạ và sinh nở để hỗ trợ và trấn an bạn

Có rất nhiều phương pháp khác nhau giúp bạn xoa dịu cơn đau. Có thể là những điều được liệt kê ở trên, kèm với một vài biện pháp khác để giúp bạn thư giãn, cảm thấy tích cực về việc sinh đẻ  mà bác sĩ, nữ hộ sinh có thể trao đổi thêm với bạn. Họ cũng có thể đề xuất một lớp học mà bạn và chồng có thể tham gia để giúp bạn chuẩn bị cho việc chuyển dạ và sinh con.

Nếu tôi muốn dùng thuốc để kiểm soát cơn đau thì sao?

Nếu bạn muốn dùng thuốc trong quá trình chuyển dạ, hãy trao đổi với bác sĩ của bạn. Các bác sĩ có thể sử dụng các loại thuốc khác nhau giúp xoa dịu cơn đau khi chuyển dạ và rặn đẻ. Các loại thuốc có thể được đưa vào theo những cách khác nhau.

Các lựa chọn để giảm đau bao gồm:

  • Gây tê ngoài màng cứng hoặc gây tê tủy sống – Đối với gây tê ngoài màng cứng, bác sĩ sẽ tiêm thuốc từ từ thông qua một catheter dẫn thông vào lưng bạn. Đối với gây tê tủy sống, bác sĩ tiêm thuốc vào lưng để làm tê liệt các dây thần kinh trong cột sống của bạn. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ kết hợp cả 2 phương pháp, vì vậy thuốc sẽ có tác dụng ngay lập tức, và sau đó catheter vẫn được giữ lại trong phần còn lại của cuộc chuyển dạ. Thuốc thường có thể xoa dịu cơn đau ở phần dưới của cơ thể bạn.
  • Gây tê âm đạo – đối với gây tê âm đạo, bác sĩ sẽ tiêm thuốc tê quanh các dây thần kinh gần âm đạo. Thuốc làm tê liệt các dây thần kinh để bạn không cảm thấy đau đớn nhiều trong lúc sổ thai. Không giống như gây tê ngoài màng cứng, nó không giúp ích gì với các cơn đau do co thắt. Nó đôi khi được thực hiện ở những phụ nữ không thể hoặc không muốn gây tê ngoài màng cứng. Nó cũng có thể được thực hiện sau gây tê ngoài màng cứng nếu sản phụ vẫn còn đau nhiều vùng âm đạo. Gây tê âm đạo đôi khi cũng được sử dụng nếu bác sĩ phải thực hiện đỡ đẻ “hỗ trợ”. Điều này có nghĩa là phải sử dụng một dụng cụ gọi là “forceps” (kẹp) hoặc hút chân không để giúp đưa em bé ra ngoài
  • Nhóm thuốc opioid – Đây là những loại thuốc giảm đau có thể được sử dụng bằng đường truyền tĩnh mạch , được gọi là “IV” hoặc dưới dạng thuốc tiêm. Chúng chủ yếu xoa dịu cơn đau hữu hiệu bằng cách khiến bạn cảm thấy buồn ngủ.

Cách Kiểm Soát Đau Đẻ

Nhược điểm của mỗi loại thuốc

Thuốc và các thủ thuật đi kèm với những nhược điểm khác nhau.

Một số nhược điểm của gây tê ngoài màng cứng gồm:

  • Sau khi bạn gây tê màng cứng, bạn sẽ cần phải nằm trên giường và sẽ không thể đi lại xung quanh.
  • Có thể làm hạ huyết áp của bạn.
  • Nếu gây tê ngoài màng cứng trong một vài giờ, bạn có thể bị sốt. Khi đó, các bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng sinh cho bạn hoặc em bé uống trong trường hợp bạn bị nhiễm trùng.
  • Sau khi sinh con, bạn có thể bị đau đầu.

Một số nhược điểm của nhóm thuốc opioid gồm:

  • Có thể gây buồn nôn hoặc nôn, ngoài ra còn khiến bạn cảm thấy buồn ngủ.
  • Ảnh hưởng đến em bé của bạn. Nếu bạn uống thuốc gần lúc chuyển dạ, có thể làm cho em bé của bạn buồn ngủ, khi đó, em bé cần hỗ trợ thở ngay sau khi sinh.
  • Mỗi loại thuốc đều có thời gian tác dụng hằng định, nên bạn có thể cần sử dụng nhiều hơn một liều. Do các bác sĩ cần cẩn thận không cho opioid quá gần giai đoạn rặn đẻ nên thuốc có thể đã hết tác dụng tại thời điểm bạn đang đau nhất.
  • Vì opioid giảm đau bằng cách khiến bạn buồn ngủ, nên bạn có thể gặp khó khăn hơn khi rặn đẻ.

Xem thêm 1 số bài viết hữu ích khác

Cao huyết áp khi mang thai có nguy hiểm không

Phòng ngừa nhiễm trùng trong thời kỳ mang thai

+ Sinh mổ lấy thai – Những điều mẹ bầu cần lưu ý