Co giật có thể được định nghĩa là sự co cứng/ rung giật hoặc sự thay đổi về mặt nhận thức, hành vi, cảm giác hoặc các chức năng thần kinh tự động. Ở trẻ em, co giật có thể do nhiều nguyên nhân, bao gồm động kinh hoặc là hậu quả của tình trạng sốt cao… Đôi lúc có thể không xác định được nguyên nhân rõ ràng.
Co giật hầu như không đe dọa đến tính mạng trẻ, hầu hết các cơn co giật thường kéo dài khoảng vài phút và tự cắt cơn. Tuy nhiên một số trường hợp có dấu hiệu cảnh báo, và một số thông tin sau qua bài viết của Bs Lê Thanh Thùy – Phòng khám đa khoa Pasteur hi vọng có thể giúp ích cho các ba mẹ
Các dấu hiệu và triệu chứng co giật ở trẻ
+ Phản ứng bất thường hoặc không có phản ứng nào
+ Co giật, với biểu hiện nắm chặt tay và cong lưng
+ Sốt, da nóng bừng, vã mồ hôi
+ Co giật ở mặt
+ Nheo mắt, cố định hoặc đảo mắt
+ Chảy nước dãi
+ Nôn ói
+ Mất kiểm soát bàng quang và ruột dẫn đến tiểu tiện không tự chủ
2. Ba mẹ cần làm gì khi trẻ bị co giật?
– Đặt trẻ nhẹ nhàng ở sàn hoặc mặt đất cứng. Loại bỏ bất kỳ đồ vật nào xung quanh có thể gây nguy hiểm tránh xa trẻ. Sau đó đặt gối hoặc khăn mềm cuộn lại xung quanh trẻ. Việc này có thể giúp bảo vệ trẻ tránh các sang thương
– Không nên giữ chặt trẻ hoặc di chuyển trẻ nếu không phải nguy cấp
– Đặt trẻ nằm nghiêng nếu trẻ nôn ói; hút đờm dãi
– Không nên đặt bất cứ thứ gì vào miệng trẻ bởi vì trẻ sẽ không nuốt hay cắn lưỡi và nếu răng bị rơi ra lại càng gây chấn thương hoặc thậm chí rơi vào đường thở.
– Không đưa bất kỳ đồ ăn, nước uống, thậm chí thuốc viên/ chất lỏng vào miệng trẻ.
– Ghi chú thời gian bắt đầu xảy ra co giật, việc này hỗ trợ rất nhiều trong công tác điều trị cho trẻ
– Gọi cấp cứu hỗ trợ 115
– Đảm bảo an toàn cho trẻ, có thể quay video ghi lại cơn giật để phục vụ công tác chẩn đoán của nhân viên y tế
– Hạ thân nhiệt cho trẻ. Cởi bỏ mền và nới lỏng quần áo. Đợi đến khi cắt cơn giật, đảm bảo trẻ không bị lạnh
– Khi cắt cơn giật, đặt trẻ ở tư thế hồi phục, giúp thông thoáng đường thở
– Trong khi đợi cấp cứu đến, hãy trấn an gia đình và trẻ. Theo dõi mức độ phản ứng của trẻ
3. Nguyên tắc đánh giá và xử trí co giật?
Bước đầu tiên cần đánh giá và làm thông thoáng đường thở, đảm bảo trẻ thở hiệu quả và đảm bảo tuần hoàn cho trẻ. Đảm bảo cung cấp đủ oxy cho não và không xảy ra co giật thứ phát do thiếu oxy hoặc thiếu máu cục bộ.
Đảm bảo thông thoáng đường thở:
– Hút đờm dãi
– Tư thế: ngửa đầu-nâng cằm hoặc ấn góc hàm nếu nghi ngờ chấn thương
Đảm bảo thở hiệu quả: Nhìn, nghe và cảm nhận
– Đánh giá có thở gắng sức không
– Hiệu quả thở: rì rào phế nang, sự di động của lồng ngực, đo độ bão hòa oxy SpO2
– Có tím tái không
– Nhịp tim, màu sắc da
*Nếu bệnh nhân thở không hiệu quả, cần hỗ trợ bóp bóng cung cấp oxy
Trường hợp co giật kéo dài hoặc các thuốc chống co giật có thể dẫn đến ngưng thở và cần hỗ trợ bóp bóng qua mask, thậm chí đặt nội khí quản nếu bóp bóng không hiệu quả
Đảm bảo về tuần hoàn:
– Nhịp tim
– Mạch
– Thời gian đổ đầy mao mạch
– Đo huyết áp
– Đánh giá da tím tái không, lạnh không
– Lấy vein tĩnh mạch
Đánh giá thần kinh
– AVPU (trẻ tỉnh- đáp ứng với lời nói- đáp ứng với đau, mất ý thức)
– Kích thước, phản xạ đồng tử như thế nào
– Co cứng mất vỏ, duỗi cứng mất não không
– Cứng cổ, thóp phồng hay không
Đánh giá toàn trạng:
– Phát ban, bầm tím không
– Đo nhiệt độ
Bù dịch và điện giải
Glucose
Nếu đường máu <3 mmol/l, cần bolus glucose 10% 2 ml/kg. Sau đó cần duy trì đường glucose 5-10% cho bệnh nhân.
Đánh giá lại bệnh nhân:
– Sau mỗi liều thuốc chống co giật
– Sau mỗi 5 phút nếu còn co giật
– Sau mỗi 15 phút sau khi hết co giật cho đến khi ý thức trở về bình thường.
*Sau khi xử trí cấp cứu:
– Đặt trẻ ở tư thế hồi phục (recovery position).
– Hỏi bệnh sử để tìm nguyên nhân co giật:
+ Đợt này trẻ có sốt không
+ Trạng thái thần kinh trước khi co giật
+ Chấn thương không
+ Tiền sử động kinh, tiền sử co giật không do sốt
+ Các thuốc sử dụng gần đây và dị ứng không
+ Tiêm chủng trước đó
+ Thực phẩm, thuốc bệnh nhân sử dụng như 1 số thuốc chống trầm cảm, ngộ độc chì
+ Tiền sử bệnh lý nền, miễn dịch
*1 số nhóm nguyên nhân gây co giật ở trẻ em cần quan tâm bao gồm:
- Nhiễm trùng thần kinh trung ương: viêm não, màng não, cần chọc dò tủy sống
- Xuất huyết não: thường gặp ở trẻ nhũ nhi; trẻ lớn thường gặp dị dạng mạch, cần chụp CT
- Nhồi máu não: gặp ở trẻ dị dạng mạch: chụp MRI, CT hạn chế
- U não: khám dấu hiệu thần kinh khu trú, chụp CT
- Hạ đường máu
- Rối loạn điện giải: hạ/ tăng Na+ máu, hạ canxi máu, hạ magie máu
- Ngộ độc thuốc, hóa chất: dựa vào khai thác tiền sử, yếu tố nguy cơ
- Bệnh lý rối loạn chuyển hóa bẩm sinh: bệnh cảnh lâm sàng có thể khá giống với nhiễm trùng huyết
- Động kinh: có thể nghi ngờ khi co giật không kèm sốt, bị nhiều lần, và tìm nguyên nhân động kinh
- Co giật do sốt: là một chẩn đoán loại trừ sau khi đã loại trừ các nguyên nhân khác
Bs Lê Thanh Thùy – Phòng khám đa khoa Pasteur
THAM KHẢO
Theo St John Ambulance, KidsHealth
https://www1.health.nsw.gov.au/pds/ArchivePDSDocuments/GL2016_005.pdf