Chân vòng kiềng còn gọi là chân chữ O (genu varum) là một dị dạng mà khi trẻ đứng chân cong ra ngoài khiến 2 đầu gối xa nhau, bàn chân và mắt cá chân chạm vào nhau và ngón chân quặp (các ngón chân chĩa vào nhau). Trong khi đó tật chụm đầu gối còn gọi là chân chữ X (Genu valgum) là một dị dạng mà 2 đầu gối gần nhau nhưng 2 mắt cá chân lại cách xa nhau.
Chân vòng kiềng và tật chụm đầu gối là biến thể giải phẫu cơ xương khớp phổ biến nhất mà các bác sĩ gặp phải và là một lí do phổ biến mà trẻ đến gặp bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình nhi khoa. Tuy nhiên hầu hết trẻ em với chân vòng kiềng hoặc tật chụm đầu gối là tình trạng sinh lý- là quá trình phát triển bình thường của chân. Một số ít gặp hơn là tình trạng bệnh lý.
Ở phạm vi bài này sẽ tập trung nói về chân vòng kiềng của trẻ. Các bậc phụ huynh cần có sự hiểu biết về sự phát triển bình thường của chân, từ đó có thể nhận biết được các dấu hiệu bất thường để đưa trẻ đi khám. Việc phân biệt chân vòng kiềng sinh lý hay bệnh lý là vô cùng quan trọng.
CHÂN VÒNG KIỀNG SINH LÝ
Sự thay đổi ở chân trải qua một quá trình có thể dự đoán trước được từ chân vòng kiềng→ trung gian→ chụm đầu gối và quay trở lại trung gian trong khoảng 7 năm đầu đời. Sự căn chỉnh chân ở người lớn bình thường là chụm đầu gối nhẹ (hình ảnh bên dưới).
Khoảng sinh lý bình thường qua các giai đoạn phát triển của trẻ như sau:
- Sau sinh, bình thường chân trẻ sẽ có dạng chân vòng kiềng.
- Khi trẻ bắt đầu đứng và đi, chân vòng kiềng sẽ rõ rệt hơn. Với trẻ đi ở độ tuổi sớm khả năng chân vòng kiềng cao hơn.
- Khoảng 18-24 tháng tuổi, chân trẻ sẽ điều chỉnh về tư thế trung gian
- Sau 24 tháng, sự điều chỉnh chuyển sang chụm đầu gối cho đến khi trẻ 4 tuổi
- Sau 4 tuổi, tình trạng chụm đầu gối giảm dần
- Khi được 7 tuổi, trẻ thường có sự căn chỉnh chân giống như người lớn (ở mức chụm đầu gối nhẹ).
Như vậy, sự căn chỉnh bình thường của chân trẻ từ sau sinh đến 18 -24 tháng tuổi là chân vòng kiềng.
Đặc điểm đặc trưng của chân vòng kiềng sinh lý gồm:
Độ tuổi từ sơ sinh đến 2 tuổi
Biến dạng 2 bên và tương đối đối xứng
Biến dạng cong cả xương đùi và xương chày
Tầm vóc bình thường
Không có lực đẩy bên khi di chuyển (lực đẩy bên là một khớp gối nhô ra một bên trong giai đoạn đi cho thấy sự kém hiệu quả của dây chằng đầu gối).
CHÂN VÒNG KIỀNG BỆNH LÝ
Những nguyên nhân bệnh lý của chân vòng kiềng gồm bệnh Blount, còi xương do dinh dưỡng và bệnh xương chuyển hóa khác, chứng loạn sản xương, nhiễm trùng, chấn thương và tăng sinh bất thường mô. Không giống như tình trạng cong sinh lý, những tình trạng này thường không cải thiện theo thời gian và có thể cần điều trị bằng nắn, niềng hoặc phẫu thuật.
Yếu tố gợi ý đến tình trạng bệnh lý gồm: tầm vóc thấp, lực đẩy bên khi di chuyển, bất đối xứng chân từ sơ sinh đến khi trẻ 2 tuổi.
Cùng tìm hiểu về một số nguyên nhân bệnh lý của chân vòng kiềng:
2.1. Bệnh Blount: là hậu quả của sự phá vỡ sự phát triển bình thường của đầu trên xương chày. Điều này gây ra dị dạng cong nặng, chệnh lệch chiều dài chân và khớp không phù hợp.
Có 2 loại Blount: trẻ sơ sinh và thanh thiếu niên.
- Bệnh Blount ở trẻ sơ sinh điển hình được chẩn đoán trước 4 tuổi và và phải được phân biệt với tình trạng cong chân sinh lý. Nó thường xảy ra ở cả 2 bên chân(80% các trường hợp) và xu hướng xấu đi sau khi trẻ bắt đầu đi bộ.
- Bệnh Blount ở thanh thiếu niên được chẩn đoán muộn hơn và có thể xảy ra một bên hoặc hai bên. Các yếu tố nguy cơ của bệnh Blount gồm béo phì, ngườiMỹ gốc Phi, những trẻ biết đi từ giai đoạn sớm.
Điều trị bệnh Blount phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ và mức độ cong nặng. Trẻ mắc bệnh Blount sơ sinh có thể được điều trị bằng cách nắn lại và nên được thực hiện khi trẻ 3 tuổi. Nếu tình trạng này vẫn không được cải thiện thì phẫu thuật. Can thiệp phẫu thuật đối với bệnh Blount ở trẻ sơ sinh nên được thực hiện trước 4 tuổi để giảm nguy cơ tái phát. Phương pháp nắn không hiệu quả đối với trẻ tuổi vị thành niên và can thiệp phẫu thuật là phương pháp điều trị chính.
2.2. Bệnh còi xương:
Là một rối loạn được đặc trưng bởi sự thiếu hụt khoáng chất trong xương (Bệnh xương chuyển hóa). Khi tình trạng này khởi phát trước 18-24 tháng tuổi, thường do thiếu hụt vitamin D do dinh dưỡng, bệnh còi xương do giảm phosphate máu, Hội chứng Fanconi. Khi nó khởi phát muộn hơn (ví dụ ở giai đoạn chụm đầu gối đến 4 tuổi) thường liên quan đến tật chụm đầu gối hơn.
Trẻ suy dinh dưỡng thường có tầm vóc thấp và cong chân 2 bên, bất thường của xương đùi và xương chày. Trong các trường hợp nặng, chẩn đoán hình ảnh thể hiện sự giảm tỷ trọng xương, tuy nhiên sự vắng mặt của các những kết quả này trên chẩn đoán hình ảnh không cho thấy mức độ ít trầm trọng của bệnh lý xương chuyển hóa. Dị dạng do suy dinh dưỡng có thể cải thiện khi bổ sung vitamin D.
2.3. Loạn sản xương: là nguyên nhân của tình trạng chân cong đối xứng 2 bên.
2.4. Phát triển mất đối xứng: Chân vòng kiềng cũng có thể được gây ra bởi các tăng trưởng bất đối xứng hoặc sự phát triển quá mức ở đầu xa xương đùi và đầu gần xương chày (thứ phát sau nhiễm trùng, gãy xương hoặc tăng sinh bất thường mô). Các dị dạng hầu như chỉ xảy ra 1 bên.
3. TIẾP CẬN TRẺ CHÂN VÒNG KIỀNG?
Hiện nay các vấn đề ở trẻ thường chủ yếu liên quan đến sự lo lắng về hình dạng chân trẻ (thẩm mỹ), trẻ ngã quá nhiều và/hoặc ngón chân khoằm (thường liên quan đến chân vòng kiềng).
Các đặc trưng về lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh phân biệt giữa cong sinh lý và bệnh lý. Khám lâm sàng là phần vô cùng quan trong trong đánh giá trẻ. Chẩn đoán hình ảnh chỉ cần thiết trong 1 số trường hợp.
+ Hỏi tiền sử:
- Tăng trưởng và phát triển? (bình thường trong cong sinh lý)
- Khởi phát? (trước hoặc sau sinh? Trước hoặc sau khi trẻ biết đi?). Ở trẻ sơ sinh, sự căn chỉnh bình thường là chân vòng kiềng, khi trẻ bắt đầu đứng và biết đi, số lượng trẻ có chân vòng kiềng tăng lên dần.
- Diễn tiến? (chân vòng kiềng sinh lý có xu hướng cải thiện dần khi trẻ lớn lên; còn vòng kiềng bệnh lý sẽ ngày càng xấu đi khi trẻ lớn lên).
- Các phàn nàn, lo lắng: đau, đi khập khiễng, té ngã, bàn chân chĩa vào trong
- Tiền sử gia đình: bố mẹ hoặc anh chị em với ngoại hình giống nhau, tầm vóc thấp, bệnh còi xương, chứng loạn sản xương.
- Điều trị trước đó và đáp ứng điều trị
- Yếu tố nguy cơ của còi xương (lượng canxi, vitamin D, tiếp xúc ánh sáng mặt trời), chế độ ăn kiêng
- Tiền sử nhiễm trùng, chấn thương, hoặc gãy xương (gây ra tình trạng chậm tăng trưởng hoặc tăng trưởng không đối xứng)
+ Khám lâm sàng:
- Chiều dài/ chiều cao: dựa trên đường cong phát triển chuẩn cho trẻ trai và trẻ gái. Dị tật chi dưới và chiều cao <3rd percentile gợi ý khả năng có tình trạng bệnh lý như còi xương, chứng loạn sản xương. Tầm vóc thấp nặng ( 10th hoặc 25th percentile) có thể liên quan đến bệnh lý chân vòng kiềng.
- Cân nặng: được tính toán dựa vào chỉ số khối cơ thể cho trẻ trai và trẻ gái. Béo phì là một yếu tố nguy cơ cho trẻ vị thành niên mắc bệnh Blount.
- Khám lâm sàng tập trung kiểm tra chân cho trẻ.
+ Chẩn đoán hình ảnh:
Trẻ < 3 tuổi và những trẻ phù hợp với sự tiến triển tự nhiên của cong chân thì hiếm khi cần đến chẩn đoán hình ảnh. Chỉ định chẩn đoán hình ảnh chỉ khi nghi ngờ trẻ có tình trạng cong bệnh lý
- Xác định xương nào bị ảnh hưởng
- Xác định các tình trạng xương: xương thủy tinh, chấn thương; chứng loạn sản xương, còi xương, bệnh Blount..
ĐIỀU TRỊ
- Cong sinh lý: Theo dõi và trấn an người chăm sóc. Diễn tiến tự nhiên của tình trạng này là tự thoái lui. Trẻ nên được theo dõi từ 4-6 tháng để đo khoảng cách 2 gối hay 2 mắt cá. Lưu ý: tránh để trẻtăng cân quá nhanh vì có thể thúc đẩy biến dạng trục xương.
- Cong bệnh lý: Liệu pháp y khoa nên được ưu tiên nếu hiệu quả. Phẫu thuật nên được thực hiện ở những trẻ còn các biến dạng sau khi thực hiện các biện pháp tối ưu.
Như vậy, nếu theo dõi khi lớn 6-7 tuổi mà trục xương chưa về bình thường hay theo dõi mỗi 6 tháng ghi nhận khoảng cách ngày càng xa, đặc biệt lớn hơn 8cm, chụp Xquang ghi nhận trục xương lệch bất thường so với sinh lý và đặc biệt nếu có tổn thương mặt trong đầu trên xương chày thì cần gặp ngay BS chuyên khoa để bó bột hoặc phẫu thuật.
>> TÓM LẠI HẦU HẾT CHÂN VÒNG KIỀNG Ở TRẺ EM LÀ SINH LÝ VÀ TỰ HẾT KHI LỚN LÊN.
Các bác sĩ lâm sàng sẽ khám và hỏi bệnh sử của trẻ. Họ có thể không làm bất cứ xét nghiệm nào nếu trẻ dưới 2 tuổi, sức khỏe phát triển tốt và cả 2 chân đều bị cong ở cùng mức độ. Thay vào đó, họ sẽ theo dõi để đảm bảo rằng chân của trẻ sẽ cải thiện dần khi trẻ lớn lên.
LỜI KHUYÊN CHUNG: bạn nên tới gặp bác sĩ nếu thấy con bạn:
- 1 chân bị cong vẹo nhiều hơn bên kia.
- Chân không duỗi thẳng được
- Chân cong không đối xứng (Cong vẹo chỉ 1 bên, bên kia bình thường).
- Có chân vòng kiêng hoặc chụm đầu gối kèm theo chiều cao thấp hơn so với tuổi.
- Trẻ có triệu chứng như đau chân, đi khập khiễng, yếu hoặc khó khăn khi đi lại, chạy nhảy.
Bạn nên biết? Trẻ cong chân sinh lý không cần hạn chế hoạt động. Trẻ hoàn toàn có thể đi chạy và hoạt động bình thường như những trẻ cùng lứa tuổi.
Bs LÊ THANH THÙY – Phòng khám đa khoa Pasteur
————————————————————————-
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Approach to the child with bow-legs
[3] Bowed Legs
[4] Genu Valgum (knocked knees)
[5] Genu valgum