Bệnh sỏi mật là gì? có nguy hiểm hay không. Những triệu chứng, nguyên nhân, biến chứng và cách điều trị sỏi mật như thế nào… Đó là những câu hỏi mà hiện rất nhiều người vẫn đang tìm kiếm câu trả lời
Ở bài viết sau đây phòng khám pasteur xin chia sẻ các thông tin, kiến thức cũng như giúp bạn đọc tìm hiểu về bệnh sỏi mật đầy đủ hơn để có thể phát hiện và điều trị bệnh kịp thời
1/ Sỏi mật là gì?
Sỏi mật là những viên sỏi nhỏ hình thành bên trong túi mật, tồn tại ở dạng bùn hoặc có thể to bằng cả túi mật, bề dài có thể lên tới 15cm.
Túi mật thường chứa đầy mật giữa các bữa ăn. Khi bạn ăn thức ăn có chứa chất béo, túi mật sẽ tống mật vào ruột. Đôi khi, sỏi làm tắc nghẽn túi mật và không đưa mật vào ruột được. Đôi khi, sỏi mật chỉ gây kích thích túi mật. Nếu sỏi ra khỏi túi mật, chúng có thể làm tắc đường mật gây ứ mật ở gan và tụy.
2/ Các triệu chứng của sỏi mật là gì?
Sỏi mật thường ít gây triệu chứng. Đôi khi triệu chứng chúng gây ra có thể là:
- Đau bụng – Thường ở hạ sườn phải hoặc thượng vị.
- Đau lưng hoặc vai phải
- Buồn nôn, nôn mửa
Nếu bạn bị sỏi mật, thường không cần phải điều trị cho đến khi xuất hiện các triệu chứng. Các triệu chứng có thể xuất hiện và mất đi, nhưng thường tiến triển nặng dần.
3/ Bị sỏi mật có nghiêm trọng không?
Một số ít trường hợp sỏi mật có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng, bao gồm:
- Vàng mắt, vàng da
- Nhiễm trùng túi mật
- Thủng túi mật, là một tình trạng nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong
- Viêm tụy (tuyến tụy là một cơ quan sản xuất hormone và men phân hủy thức ăn)
4/ Có xét nghiệm để phát hiện sỏi mật hay không?
Có. Bác sĩ có thể thực hiện một số xét nghiệm để xem xét liệu rằng bạn có bị sỏi mật hay không, chẳng hạn như siêu âm. Siêu âm là một xét nghiệm không gây đau đớn bằng cách sử dụng sóng âm thanh để ghi lại hình ảnh túi mật.
Đôi khi các triệu chứng hiện tại của bạn không phải do sỏi, mặc dù kết quả xét nghiệm cho thấy bạn có sỏi. Bác sĩ có thể cần phải làm các xét nghiệm khác để chắc chắn triệu chứng của bạn là do sỏi.
5/ Điều trị sỏi mật như thế nào?
Những người bị sỏi mật thường có 3 lựa chọn:
+ Không điều trị – Lựa chọn này là tốt nhất cho những người không có triệu chứng. Nếu họ bắt đầu có triệu chứng, bác sĩ có thể cân nhắc điều trị.
+ Phẫu thuật lấy sỏi và cắt bỏ túi mật – Phẫu thuật cắt bỏ túi mật là phẫu thuật thường quy ở Hoa Kỳ. Nhưng phương pháp này liên quan đến việc sử dụng thuốc mê, vì vậy nó có một số rủi ro. Phẫu thuật không ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa nhiều.
Nhưng khoảng một nửa số người có các triệu chứng nhẹ nhàng sau phẫu thuật, bao gồm đại tiện phân lỏng, trung tiện hoặc đầy hơi. Những triệu chứng này thường trở nên tốt hơn sau đó. Những người đã cắt bỏ túi mật không cần phải lo lắng về việc sỏi mật tái phát.
+ Điều trị để loại bỏ sỏi nhưng bảo tồn túi mật (điều trị không phẫu thuật) – Những người chọn phương pháp này có thể dùng thuốc làm tan sỏi hoặc được điều trị bằng một thiết bị phá vỡ sỏi từ bên ngoài (hoặc cả hai). Thuốc chỉ có tác dụng với một số loại sỏi, và nó cần nhiều thời gian, từ vài tháng đến vài năm mới có tác dụng. Sỏi mật vẫn có khả năng tái phát trở lại sau khi điều trị.
6/ Tôi nên lựa chọn phương án điều trị nào?
Điều trị phù hợp cho bản thân bạn phụ thuộc vào:
- Kích thước viên sỏi
- Triệu chứng, mức độ nặng của triệu chứng
- Cảm nhận của bạn về từng phương pháp điều trị
Hãy hỏi bác sĩ về ảnh hưởng của từng phương pháp và tìm ra phương pháp điều trị phù hợp nhất với bản thân bạn.
7/ Tôi nên làm gì để phòng tránh sỏi mật?
Bạn nên giữ cho bản thân có một cơ thể cân đối. Những người thừa cân có nhiều khả năng bị sỏi mật hơn người có cân nặng vừa phải.
Nếu bạn có kế hoạch giảm cân một cách nhanh chóng – ngay cả khi bạn chưa bao giờ bị sỏi mật – hãy hỏi ý kiến bác sĩ của bạn về cách phòng tránh sỏi mật.
Giảm cân nhanh – ví dụ, thông qua phẫu thuật giảm cân – vẫn có thể dẫn đến sỏi mật. Nhưng bác sĩ của bạn có thể kê các loại thuốc để phòng ngừa tình trạng đó xảy ra.
Xen thêm 1 số bài viết hữu ích khác