Viêm mũi dị ứng được đặc trưng bởi tình trạng hắt hơi, chảy nước mũi và ngạt mũi, ngứa mũi và khẩu cái. Ngoài ra, viêm mũi dị ứng còn liên quan đến tình trạng chảy mũi thành sau họng, ho và mệt mỏi. Một vài bệnh nhân có kèm theo viêm kết mạc dị ứng và/ hoặc hen suyễn. Các triệu chứng có thể xuất hiện quanh năm, theo mùa hoặc khi tiếp xúc với các dị nguyên cụ thể nào đó.
Đây là một bệnh lý rất phổ biến hiện nay, tại Anh ước tính cứ 5 người thì có 1 người gặp phải tình trạng này. Tại Việt Nam, bệnh viêm mũi dị ứng chiếm khoảng đến 32% trong số các bệnh lý tai mũi họng. Hiện nay, thời tiết khí hậu ngày càng khắc nghiệt, ô nhiễm môi trường cũng ngày một tăng lên, chính vì vậy mà tỷ lệ mắc các bệnh lý dị ứng cũng gia tăng.
1. TRIỆU CHỨNG VIÊM MŨI DỊ ỨNG
Viêm mũi dị ứng thường gây ra các triệu chứng giống như “cảm lạnh”, như hắt hơi, ngứa mũi và ngạt mũi hoặc chảy nước mũi. Các triệu chứng này thường xảy ra sớm ngay khi tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng.
Một số người chỉ bị viêm mũi dị ứng trong 1 vài tháng khi mà họ tiếp xúc với 1 số dị nguyên theo mùa, như là cây cỏ, phấn hoa. Những người khác thì lại có tình trạng viêm mũi xảy ra quanh năm.
Hầu hết viêm mũi dị ứng có những triệu chứng nhẹ có thể điều trị dễ dàng và hiệu quả. Nhưng một số trường hợp các triệu chứng có thể nặng lên và dai dẳng, gây ra những vấn đề về giấc ngủ và ảnh hưởng đáng kể đến đời sống hằng ngày.
CÁC TRIỆU CHỨNG CỦA VIÊM MŨI DỊ ỨNG ĐÔI KHI SẼ CẢI THIỆN THEO THỜI GIAN, NHƯNG QUÁ TRÌNH NÀY CÓ THỂ MẤT NHIỀU NĂM VÀ KHÓ CÓ KHẢ NĂNG BIẾN MẤT HOÀN TOÀN.

2. CÁC NGUYÊN NHÂN GÂY RA VIÊM MŨI DỊ ỨNG
Viêm mũi dị ứng được gây ra khi mà hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng với một dị nguyên lạ xâm nhập vào cơ thể, dẫn đến các tế bào giải phóng ra một số chất trung gian hóa học làm cho lớp trong niêm mạc mũi (màng nhầy) trở nên sưng nề và tăng tiết chất nhầy quá mức.
Các dị nguyên phổ biến gây ra tình trạng viêm mũi dị ứng bao gồm phấn hoa, bào tử nấm mốc, mạt bụi nhà, thức ăn và vảy da hoặc giọt bắn từ nước tiểu hoặc nước bọt của một số loài động vật.
3. VIÊM MŨI DỊ ỨNG KHI NÀO THÌ NÊN ĐI KHÁM
Nên đi khám bác sĩ nếu các triệu chứng của viêm mũi dị ứng làm gián đoạn giấc ngủ của bạn, cản trở các hoạt động hằng ngày hoặc ảnh hưởng xấu đến thành tích học tập hoặc công việc của bạn.
Chẩn đoán viêm mũi dị ứng thường dựa trên các triệu chứng của bạn và bất kỳ các tác nhân gây dị ứng nào mà bạn nhận thấy. Nếu nguyên nhân gây ra dị ứng không được xác định rõ thì phải cần đến các xét nghiệm tìm dị nguyên.

4. ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG NGỪA VIÊM MŨI DỊ ỨNG
Rất khó để loại bỏ hoàn toàn các chất gây dị ứng tiềm tàng, nhưng bạn có thể có 1 số giải pháp để giảm việc tiếp xúc với dị nguyên cụ thể mà bạn đã biết trước đó hoặc nghi ngờ là tác nhân gây ra dị ứng cho bạn. Điều này sẽ giúp bạn cải thiện triệu chứng.
Thách thức đối với các bác sĩ lâm sàng là phải giáo dục bệnh nhân về hiệu quả mang tính tương đối của các phương pháp khác nhau này và giải thích rõ cho bệnh nhân rằng với các triệu chứng đáng kể được điều trị với các loại thuốc không gây ra các tác dụng phụ quá mức.
Nếu như viêm mũi dị ứng nhẹ, bạn cũng có thể giảm các triệu chứng bằng cách sử dụng các thuốc không cần kê đơn, như kháng histamin không có tác dụng an thần và thường xuyên rửa mũi bằng dung dịch nước muối để mũi không bị kích ứng.
Việc điều trị thuốc viêm mũi dị ứng cho từng bệnh nhân cụ thể chủ yếu dựa vào tần suất và mức độ nặng của các triệu chứng, độ tuổi bệnh nhân và các bệnh lý kèm theo. Do đó, nếu đã thực hiện các phương pháp trên nhưng không hiệu quả, bạn cần đến gặp bác sĩ để điều trị kịp thời nhằm tránh các biến chứng polyp mũi, viêm xoang và viêm tai giữa.
HIỆN NAY CHƯA CÓ PHƯƠNG PHÁP NÀO ĐIỀU TRỊ DỨT ĐIỂM VIÊM MŨI DỊ ỨNG. ĐIỀU TRỊ CHÍNH VẪN LÀ GIẢM CÁC TRIỆU CHỨNG GÂY KHÓ CHỊU CHO NGƯỜI BỆNH, ĐỒNG THỜI TÌM RA TÁC NHÂN GÂY DỊ ỨNG ĐỂ TRÁNH.
BS Lê Thanh Thùy – Phòng khám đa khoa Pasteur
TÀI LIỆU THAM KHẢO