Ung thư được chẩn đoán như thế nào?
Nếu bệnh nhân có những triệu chứng hoặc kết quả sàng lọc nghi ngờ ung thư, các bác sĩ cần phải tìm ra nguyên nhân liệu có phải là ung thư không hay các nguyên nhân khác. Bệnh nhân sẽ được hỏi về tiền sử cá nhân, gia đình và khám lâm sàng và được chỉ định một số xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết.
Xét nghiệm sinh hóa
Nồng độ một số chất trong cơ thể cao hay thấp có thể là dấu hiệu của ung thư. Vì vậy, xét nghiệm định lượng các chất này trong máu, nước tiểu hoặc các dịch khác có thể giúp các bác sĩ đưa ra chẩn đoán. Tuy nhiên, kết quả bất thường không chắc chắn là ung thư. Các xét nghiệm có vai trò quan trọng nhưng các bác sĩ không chỉ dựa vào đó để đưa ra chẩn đoán ung thư.
Chẩn đoán hình ảnh
Chụp CT scan:
Một máy phát ra tia X-quang được liên kết với máy tính để chụp một loạt các hình ảnh chi tiết về các cơ quan. Bệnh nhân có thể được cho uống thuốc cản quang để giúp hình ảnh được rõ hơn và dễ đọc hơn.
Xạ hình:
Bệnh nhân sẽ được tiêm một lượng nhỏ chất phóng xạ, còn gọi là chất đánh dấu. Nó được phân bố theo đường máu và tập trung vào một số xương hoặc cơ quan nhất định. Máy quét sẽ phát hiện và đo độ phóng xạ và tạo ra hình ảnh của xương hoặc nội tạng trên màn hình máy tính hoặc trên phim. Các chất phóng xạ sau đó được thải ra ngoài cơ thể nhanh chóng.
Siêu âm:
Máy siêu âm phát ra sóng âm thanh mà con người không thể nghe thấy được. Sau đó, sóng dội lại các mô bên trong cơ thể. Máy tính sẽ xử lý những tiếng dội này để tạo ra hình ảnh cơ quan trong cơ thể.
MRI:
Một máy tính liên kết với một nam châm từ trường mạnh được sử dụng để tạo ra hình ảnh chi tiết của các cơ quan trong cơ thể. Những ảnh này có thể được xem trên máy tính hoặc in ra thành phim.
PET scan:
Đối với kỹ thuật này, bệnh nhân sẽ được tiêm một chất đánh dấu. Sau đó, máy sẽ tạo ra những bức ảnh 3 chiều nơi mà các chất đánh dấu này phân bố trong cơ thể. PET scan còn cho thấy được các cơ quan và mô đang hoạt động như thế nào.
X-quang:
Máy X-quang sử dụng phóng xạ liều thấp để tạo ra hình ảnh bên trong cơ thể.
Sinh thiết
Trong nhiều trường hợp, các bác sĩ cần làm sinh thiết để chẩn đoán ung thư. Sinh thiết là một thủ tục loại bỏ một mảnh mô, sau đó bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ quan sát dưới kính hiển vi để xem nó có phải là ung thư hay không. Mẫu sinh thiết có thể lấy bằng:
Kim: để rút bệnh phẩm là mẫu mô hoặc chất lỏng.
Ống nội soi: Ống nội soi là một ống mỏng, được đưa vào bên trong cơ thể qua đường tự nhiên, như miêng. Sau đó, các bác sĩ sẽ lấy mẫu bệnh phẩm qua ống nội soi.
Phẫu thuật: Có thể phẫu thuật cắt toàn phần hay một phần.
Xem thêm bài viết: Tầm soát ung thư là gì? như thế nào là đúng cách
Chẩn đoán giai đoạn ung thư
Giai đoạn cho biết được mức độ xâm lấn của ung thư, chẳng hạn như kích thước khối u, và đã di căn chưa. Biết được giai đoạn sẽ giúp các bác sĩ:
Hiểu mức độ nghiêm trọng của bệnh và tiên lượng sống
Lên kế hoạch điều trị
Xác định những thử nghiệm lâm sàng mà có thể phù hợp để điều trị bệnh nhân
Giai đoạn ung thư được xác định như thế nào
Để xác định giai đoạn bệnh, các bác sĩ sẽ dựa vào phim X-quang, xét nghiệm sinh hóa và các xét nghiệm hình ảnh khác. Xem phần Chẩn đoán để tìm hiểu thêm.
Các hệ thống phân giai đoạn
Có nhiều hệ thống phân giai đoạn khác nhau, ví dụ phân giai đoạn theo TNM là hệ thống thường dùng cho nhiều loại ung thư. Có những hệ thống chỉ dùng cho một loại ung thư. Tuy nhiên, các hệ thống đều phải bao gồm những nội dung:
- Vị trí khối u
- Loại tế bào (như ung thư biểu mô tuyến hay biểu mô vảy)
- Kích thước của khối u
- Đã di căn hạch chưa
- Đã di căn xa chưa
- Mức độ biệt hóa
Xem thêm : Ung thư là gì? Phân biệt u lành và u ác tính
Hệ thống TNM
Hệ thống TNM là hệ thống phân giai đoạn được sử dụng rộng rãi nhất. Trong hệ thống TNM:
T (Tumor): Khối u bao gồm kích thước và mức độ xâm lấn.
N (Nodes): Hạch vùng, xác định bệnh ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết ở xung quanh hay chưa và lan xa đến mức nào
M (Metastasis) mô tả liệu bệnh ung thư đã lan đến các phần khác của cơ thể hay chưa
Khi mô tả giai đoạn theo TMN, các bác sĩ sẽ ấn định một con số từ 1-4 sau mỗi chữ cái, ví dụ như T1N0MX hoặc T3N1M0. Phần sau đây giải thích ý nghĩa của các chữ cái và số:
+ Khối u nguyên phát (T)
TX: Khối u không thể đo được.
T0: Không tìm thấy khối u.
T1, T2, T3, T4: Mô tả liên quan đến kích thước và / hoặc mức độ của khối u chính. Số sau T càng cao, khối u càng lớn hoặc xâm lấn sang mô lân cận. T có thể được chia nhỏ để chi tiết hơn, chẳng hạn như T3a và T3b.
+ Hạch bạch huyết vùng (N)
NX: Các hạch vùng không thể đo được.
N0: Không có hạch vùng.
N1, N2, N3: Mô tả liên quan đến số lượng và vị trí của các hạch vùng có tế bào thư. Số sau N càng cao, càng nhiều hạch có tế bào ung thư.
+ Di căn xa (M)
MX: Không đánh giá được di căn.
M0: Không có di căn xa.
M1: Có di căn xa.
Hệ thống TNM giúp mô tả ung thư rất chi tiết. Tuy nhiên, TNM có thể được các bác sĩ mô tả theo thành 5 giai đoạn như sau:
Giai đoạn | Ý nghĩa |
Giai đoạn 0 | Có tế bào bất thường những chưa xâm lấn mô lân cận. Còn gọi là ung thư biểu mô tại chỗ (Carcinoma in situ (CIS)). CIS không phải là ung thư, nhưng có thể trở thành ung thư |
Giai đoạn I, giai đoạn II và giai đoạn III | Đã xuất hiện tế bào ung thư. Con số càng cao, khối u ung thư càng lớn và xâm lấn đến các mô lân cận. |
Giai đoạn IV | Ung thư đã di căn xa |
……
Như vậy bài viết trên BS CKII Nguyễn Hữu Hòa đã giới thiệu cũng như phân tích đầy đủ chi tiết “Ung thư được chẩn đoán như thế nào” để bạn đọc có thêm kiến thức..
Ngoài ra nếu cần tư vấn + trao đổi cụ thể hơn về vấn đề này có thể liên hệ trực tiếp đến chuyên khóa khám và điều trị ung bướu của Pasteur qua hotline 02363811868 để được các bác sĩ chuyên sâu đưa ra những lời khuyên bổ ích nhất.
Chúc mọi người luôn có sức khỏe tốt!
BS CKII Nguyễn Hữu Hòa
Phòng khám đa khoa Pasteur