TUẦN KHỦNG HOÀNG WONDER WEEK LÀ GÌ

Biểu Hiện Của Trẻ Ở Tuần Khủng Hoảng Wonder Wek

Trẻ đang ăn uống chơi bình thường, đùng phát trở nên khó chịu quấy khóc biếng ăn, bé không đau không sốt gì cả --> ĐỪNG QUÁ LO LẮNG, có thể bé bạn đang ở tuần khủng hoảng “WONDER WEEK

Tuần khủng hoảng Wonder Week là gì?

Hãy tưởng tượng bạn đang ngủ say trong một thế giới quen thuộc và khi bạn tỉnh giấc thì đột nhiên mọi thứ đã thay đổi. Liệu bạn có khóc lóc, có nổi cáu và luôn bám víu với những điều đã quen thuộc với bạn trước đó hay không? Đó cũng chính là những thay đổi về mặt tâm sinh lý của trẻ dưới 2 tuổi.

Tuần khủng hoảng Wonder Week chính là những mốc đánh dấu sự phát triển của bé về trí tuệ và khả năng vận động. Nhưng đây cũng chính là những giai đoạn mà bé quấy khóc, khó chịu khiến mẹ “khủng hoảng” – nên được gọi là “Tuần Khủng Hoảng”. 

Trong 20 tháng đầu đời các bé sẽ gặp 10 tuần khủng hoảng wonder week. Chúng ta thậm chí có thể dự đoán được khi nào các tuần khủng hoảng này bắt đầu. Nó thường rơi vào các mốc tuần thứ 5, 8, 12, 19, 26, 37, 46, 55, 64 và 75. Tuy nhiên các mốc này có thể xê dịch tùy bé, có thể sớm hơn hoặc muộn hơn.

Mỗi tuần khủng hoảng Wonder week luôn có 2 giai đoạn: giai đoạn BÃO TỐ và giai đoạn NẮNG ĐẸP (chính là giai đoạn hình thành các kỹ năng). Sự thay đổi và phát triển về não bộ dẫn đến sự phát triển nhanh chóng về thính giác, cảm giác, mùi vị và thị giác. Và tất cả những thay đổi về các giác quan này khiến em bé có cảm giác như đang thức dậy trong một thế giới hoàn toàn mới lạ và điều này khiến bé cảm giác khó chịu vì chưa thích nghi kịp với những cảm nhận mới, khả năng mới của mình. 

Các biểu hiện của trẻ như: 

– Bé có thể khóc nhiều hơn, đòi mẹ nhiều hơn.

– Một số bé sẽ mất cảm giác ngon miệng khi ăn nên sẽ lười ăn, biếng bú.

– Một số bé bình thường rất dễ ngủ và ngủ rất ngon, giờ đây mẹ phải mất nhiều thời gian hơn để ru bé ngủ, và bé thường tỉnh giấc hơn, giấc ngủ không được sâu.

– Một số bé bình thường rất vui vẻ hoạt bát có thể trở nên dễ cáu gắt, bực bội hơn bao giờ hết.

– Bé có thể sẽ bám mẹ hơn do nhu cầu cần được mẹ vỗ về, âu yếm hơn.

Biểu Hiện Của Trẻ Ở Tuần Khủng Hoảng Wonder Wek
Biểu hiện của trẻ ở tuần khủng hoảng wonder week

Vượt qua 10 tuần khủng hoảng wonder week như thế nào?

Khi bạn nhận ra những biểu hiện trên của con thì bạn biết đấy, giai đoạn BÃO TỐ đã bắt đầu. Nó có vẻ giống như sự thụt lùi nhưng trên thực tế đó là dấu hiệu của sự tiến bộ. Một thế giới mới với đầy những kỹ năng mới đang chờ đợi con bạn khám phá. Và khi chúng chuyển sang một thế giới xa lạ mới thì đó chính xác là khi con bạn cần bạn như một người bạn cũng như là một hướng dẫn viên du lịch đồng hành cùng con.

Khi con đã bình phục sau cú sốc và chúng dần quen hơn một chút với thế giới mới này, chúng sẽ bắt đầu khám phá nó và phát triển những kỹ năng mới và điều này là tùy vào mỗi em bé. Chúng đang khám phá những khả năng mới trong chính cơ thể nhỏ bé của chúng, chúng sẽ là một người quan sát nhạy bén. Việc theo dõi con từ những bước đầu này có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về tính cách của con trong tương lai đấy!

Sau mỗi tuần khủng hoảng Wonder Week, em bé bạn học được những gì? Cùng tìm hiểu sơ lược nhé!

WONDER WEEK 5: Các giác quan của bé phát triển mạnh mẽ và trở nên nhạy cảm- bé ít vặn mình hơn, có thể khóc ra nước mắt, bắt đầu biết cười, nhìn mọi vật chăm chú hơn

WONDER WEEK 8: Bé nhận ra cách thức hoạt động của các sự vật xung quanh- giữ thẳng đầu khi tập trung, quay đầu về phía âm thanh, tạo biểu cảm khuôn mặt khác nhau

WONDER WEEK 12: Bước chuyển biến lớn nhất trong quá trình hình thành kỹ năng và nhận thức- Bé cười nhiều hơn, biết lẫy, lật sấp, lật ngửa, biết với đồ vật bằng 2 tay

WONDER WEEK 19: Bé thực hiện được các hành động theo chuỗi: có thể nhổm mông, biết đẩy núm ti khi no, đưa đồ vật vào miệng và gặm

WONDER WEEK 26: Bé vận động, giao tiếp và phát triển giác quan hoàn thiện hơn- Bé hét và cười rất to, có thể ngồi dậy khi đang nằm, quan sát hoạt động của người lớn

WONDER WEEK 37: Bé phát triển khả năng nhận thức và cảm xúc- bé biết bám và đi men, biết bắt chước hoạt động, hiểu được tên gọi của đồ vật

WONDER WEEK 46: Bé nhận thức được những việc mình làm- biết chỉ tay vào đồ vật, biết reo phân khích, một số bé có thể biết đi

WONDER WEEK 55: Bé khám phá và thực hiện chu trình của hoạt động- biết thả hình khối vào lỗ; bé hiểu và biết làm theo những gì mẹ nói

WONDER WEEK 64: Bé hiểu được những quy luật và nguyên tắc nhất định- biết nũng nịu với mẹ, bắt chước biểu cảm và hành động của người lớn

WONDER WEEK 75: Bé hệ thống được những nguyên tắc và biết điều chỉnh hành vi- biết chơi cùng bạn bè, tính cách thể hiện rõ ràng, nắm bắt được khái niệm thời gian

 Tóm lại

Những “Tuần Khủng Hoảng Wonder week” thực chất chỉ đánh dấu quá trình phát triển của bé về các kỹ năng vận động và trí não nên bé có thể lơ là việc ăn ngủ, hoặc quấy, khóc nhiều hơn bình thường. Do đó, nắm được mốc “Wonder Week” – “Tuần Khủng Hoảng” sẽ giúp mẹ chủ động và đỡ stress hơn trong thời gian chăm sóc và nuôi nấng con, bớt đi những lo lắng không cần thiết khi thấy con quấy khóc nhiều hơn bình thường mà lại không rõ nguyên nhân.

THAM KHẢO The Wonder Weeks

Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn về sức khỏe, Nhi khoa hoặc phương pháp này, vui lòng liên hệ 𝟎𝟐𝟑𝟔 𝟗𝟗𝟗𝟗 𝟖𝟔𝟖 để được hỗ trợ nhanh nhất