Sỏi túi mật là bệnh lý rất phổ biến ở các nước phương Tây và tỷ lệ mắc sỏi túi mật tăng lên theo tuổi tác. Ở Việt Nam, siêu âm bụng đã được áp dụng rộng rãi trong khám và chẩn đoán bệnh nên theo thống kê, tỷ lệ sỏi túi mật được phát hiện khoảng 58-71% sỏi đường mật nói chung. Đa số các trường hợp sỏi túi mật được phát hiện tinh cờ khi siêu âm bụng và không gây ra bất kỳ triệu chứng gì.
Vì sao có sỏi túi mật?
Túi mật nằm ở phía dưới của thùy gan phải, màu xanh lam, kích thước nhỏ từ 30 – 60ml. Túi mật có nhiệm vụ tích trữ dịch mật do gan tiết ra và cô đặc nó. Khi thức ăn vào trong dạ dày, túi mật sẽ co bóp đẩy dịch mật vào đường mật, xuống tá tràng giúp tiêu hóa chất béo có trong thức ăn.
Sỏi túi mật là các tinh thể rắn do các thành phần có trong dịch mật kết tinh thành. Sỏi túi mật được chia thành 2 loại chính là sỏi cholesterol và sỏi sắc tố:
- Sỏi cholesterol chủ yếu được tạo thành từ cholesterol có trong dịch mật. Các nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy, tỉ lệ sỏi cholesterol chỉ chiếm 30-50% các trường hợp. Loại sỏi này thường gặp ở người béo phì, phụ nữ gặp nhiều gấp hai nam giới, dùng chế độ ăn của người phương Tây, dùng thuốc tránh thai estrogen.
- Sỏi sắc tố thường do nguyên nhân nhiễm khuẩn đường mật, các bệnh gây tán huyết, xơ gan, viêm hoặc đã cắt đoạn hồi tràng (phần cuối của ruột non).
Triệu chứng của sỏi túi mật là gì?
Những triệu chứng ban đầu của bệnh lý này thường rất mờ nhạt. Đa số bệnh nhân chỉ tình cờ phát hiện ra trong quá trình siêu âm ổ bụng. Những cơn đau bắt đầu dữ dội khi kích thước sỏi quá lớn dẫn tới tắc ống túi mật.
Khoảng 30% trường hợp có sỏi túi mật là có triệu chứng, triệu chứng của sỏi túi mật thường gặp nhất là cơn đau quặn mật (86%), với các đặc điểm sau:
- Tính chu kỳ: Những cơn đau riêng biệt kéo dài từ 30 phút đến vài giờ.
- Vị trí: Đau xảy ra ở thượng vị hoặc vùng bụng trên phải, với các trường hợp đau nhiều nhất ở vùng thượng vị, khiến dễ lầm với bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng.
- Mức độ: Đau nhiều và liên tục, cơn đau có thể làm cho bệnh nhân ngưng thở.
- Thời điểm: Đau xảy ra trong vòng vài giờ sau khi ăn, hoặc đau về đêm thường làm cho bệnh nhân thức giấc.
- Các triệu chứng khác bao gồm đau lưng, đau bụng trên trái, buồn nôn và nôn, đầy bụng (khó tiêu với thức ăn nhiều dầu mỡ).
Sỏi túi mật khi nào cần điều trị?
Hiện nay, điều trị sỏi mật có 2 phương pháp: không phẫu thuật và phẫu thuật. - Phương pháp không phẫu thuật: Thông thường, sỏi túi mật không có triệu chứng, không gây đau đớn quá nhiều cho người bệnh thì chưa cần thiết phải phẫu thuật. Người bệnh có thể chọn giữa việc phẫu thuật và sử dụng các loại thuốc tan sỏi, tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng chấn động, làm tan sỏi và lấy sỏi qua da, lấy sỏi túi mật qua nội soi…Hiện nay điều trị nội khoa ở Việt Nam chủ yếu là dùng thuốc tan sỏi, tuy nhiên hiệu quả không cao do sỏi ở nước ta chủ yếu là sỏi sắc tố mật
- Phương pháp phẫu thuật: phẫu thuật cắt túi mật nội soi được xem như là phương pháp duy nhất được chọn trong điều trị ngoại khoa sỏi túi mật. Phương pháp này được chỉ định cho các trường hợp sỏi túi mật có triệu chứng hoặc biến chứng. Người ta còn bàn cãi về chỉ định mổ cho trường hợp sỏi túi mật chưa gây triệu chứng, chưa gây tổn thương cho túi mật. Nếu chỉ định mổ thì phương pháp được chọn ở đa số các bác sĩ vẫn là cắt túi mật. Sau mổ bệnh nhân vẫn ăn uống bình thường vì vẫn đầy đủ mật từ gan qua ống mật đi xuống ruột giúp tiêu hóa, sinh hoạt làm việc bình thường, “quan hệ vợ chồng” không bị ảnh hưởng, không làm giảm tuổi thọ, không cần dùng thuốc hỗ trợ tiêu hóa khác.
Tham khảo: Wikipedia
#pasteurclinic
#soituimat