Một bộ phận liên kết giữa tai trong và não của bạn giúp bạn giữ thăng bằng khi bạn rời khỏi giường hoặc đi bộ trên mặt đất gồ ghề. Bộ phận này được gọi là hệ thống tiền đình.
Nếu một bệnh lý nào đó hoặc chấn thương làm tổn thương hệ thống này, bạn có thể bị rối loạn tiền đình.
Rối loạn tiền đìnhgây ra chóng mặt và mất thăng bằng là các triệu chứng phổ biến nhất, nhưng bạn cũng có thể gặp vấn đề về thính giác và thị giác.
Các dạng rối loạn tiền đình thường gặp
Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (BPPV): Đây là nguyên nhân thường gặp nhất gây chóng mặt tư thế, một cảm giác quay tròn hoặc lắc lư đột ngột. Nó xảy ra khi các tinh thể caici nhỏ (thạch nhĩ – sỏi tai) ở một phần trong tai di chuyển sang chỗ khác, nơi mà bình thường chúng không có mặt. Điều này khiến tai trong truyền tín hiệu đến não là bạn đang di chuyển trong khi thực tế là không.
Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính có thể được điều trị qua một số các động tác cử động đầu mà bác sĩ hướng dẫn bạn. Những động tác này làm các thạch nhĩ trở về vị trí của chúng.
Viêm mê đạo tai trong: Bạn có thể đã biết đây là một bệnh nhiễm trùng tai trong. Nó xảy ra khi cấu trúc mỏng manh nằm sâu bên trong tai bạn gọi là mê đạo tai trong bị viêm. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng thăng bằng và khả năng nghe của bạn mà còn có thể bị đau tai, bị nặng tai, tai chảy mủ hoặc chảy dịch, buồn nôn, và sốt cao.
Nếu tình trạng viêm mê đạo của bạn là do vi khuẩn, bạn có thể phải dùng đến kháng sinh. Bác sĩ cũng có thể kê steroids để giúp giảm viêm hoặc một loại thuốc chống nôn khác để giúp giảm nôn và chóng mặt.
Viêm dây thần kinh tiền đình: một tình trạng nhiễm virus ở đâu đó trên cơ thể bạn, chẳng hạn như thủy đậu hay sởi, có thể gây ra chứng bệnh này ảnh hưởng đến dây thần kinh dẫn truyền tín hiệu âm thanh và thăng bằng từ tai trong tới não của bạn. Những triệu chứng thường gặp nhất là đột ngột chóng mặt kèm buồn nôn, nôn mửa và đi lại khó.
Để điều trị viêm dây thần kinh tiền đình, bác sĩ có thể kê cho bạn thuốc diệt virus gây bệnh.
Bệnh Meniere: những người bị chứng rối loạn này đột ngột bị chóng mặt, ù tai (âm thanh như tiếng chuông, tiếng vo ve, hoặc tiếng ầm ầm trong tai), mất thính lực, và cảm giác đầy tai. Điều này có thể do có quá nhiều dịch ở tai trong, gây ra do virus, dị ứng, hoặc phản ứng tự miễn. Mất thính lực trở nên trầm trọng hơn theo thời gian và có thể là vĩnh viễn trong một số trường hợp.
Một số thay đổi trong lối sống có thể giúp ích – như cắt giảm muối, cà phê, rượu và thuốc có thể làm dịu các triệu chứng khi chúng xảy ra. Trong một số ít các trường hợp, người ta cần phẫu thuật để giảm triệu chứng. Các bộ phận của tai trong bị ảnh hưởng sẽ bị cắt hoặc bỏ để chúng ngừng gửi sai tín hiệu thăng bằng đến não.
Lỗ rò ngoại dịch (PLF): đây là vết rách hoặc khiếm khuyết giữa tai giữa và phần tai trong chứa đầy dịch, có thể khiến bạn cảm thấy chóng mặt và có thể gây mất thính lực. Bạn có thể bị PLF bẩm sinh hoặc có thể do chấn thương khí áp (tăng áp suất trong tai), chấn thương đầu hoặc nâng vật nặng.
Phẫu thuật có thể giúp sửa các lỗ dò ngoại dịch. Các lỗ hở hoặc vết rách có thể được bít lại bằng mô lấy từ bên ngoài tai của bạn.
Các rối loạn tiền đình khác:
U dây thần kinh thính giác: Khối u ở tai trong này không phải là ung thư và phát triển chậm, nhưng nó có thể chèn ép các dây thần kinh chi phối thính giác và thăng bằng. Dẫn tới mất thính lực, nghe như tiếng chuông trong tai, và chóng mặt. Trong một số trường hợp, khối u thần kinh có thể chèn lên dây thần kinh mặt và khiến mặt bên đó bị tê.
U dây thần kinh thính giác có thể được cắt bỏ bằng phẫu thuật hoặc bác sĩ có thể điều trị bằng tia xạ để ngăn chặn sự phát triển của nó.
Độc tính lên tai (Ototoxicity): Một số loại thuốc và hóa chất có thể gây hại tai lên trong. Một số khác tấn công dây thần kinh dẫn truyền từ tai trong đến não. Hoặc có thể gây mất thính lực. Đôi khi tình trạng này sẽ giảm khi bạn ngừng dùng thuốc hoặc tránh xa hóa chất. Trong những trường hợp khác, thương tổn có thể là vĩnh viễn.
Cống tiền đình giãn rộng (EVA): các ống dẫn hẹp, bằng xương đi từ tai trong vào bên trong hộp sọ của bạn gọi là cống tiền đình. Nếu chúng bị rộng hơn bình thường, bạn có thể bị mất thính lực. Nguyên nhân của EVA không rõ ràng, nhưng dường như chúng có liên quan đến một số gen nhất định.
Không có phương pháp điều trị nào được chứng minh đối với EVA. Cách tốt nhất để bảo vệ thính giác của bạn đó là tránh các môn thể thao có va chạm hoặc bất cứ điều gì có thể dẫn đến chấn thương đầu, và tránh xa những thay đổi áp suất nhanh chóng, chẳng hạn như lặn biển.
Migraine tiền đình(Vestibular migraine): Nếu não truyền tín hiệu sai đến hệ thống thăng bằng, có thể dẫn đến đau đầu dữ dội, chóng mặt, nhạy cảm với ánh sáng hoặc âm thanh, mất thính giác và ù tai. Một số người cũng nói rằng họ bị mờ mắt.
Nếu bạn thường xuyên bị Migrain tiền đình, bác sĩ có thể cho bạn một số thuốc để dự phòng. Nhiều loại thuốc, bao gồm một số thuốc chống trầm cảm và thuốc chẹn kênh canxi (giúp giãn mạch máu), có thể có ích.
Hội chứng Mal de debarquement: khi bạn di chuyển bằng một hình thức mà bạn chưa từng làm trước đây, chẳng hạn như đi trên một chiếc thuyền, não của bạn sẽ thích nghi với cảm giác đó. Nhưng đôi khi, nó có thể bị “mắc kẹt” trong những chuyển động mới và bạn có thể cảm giác mất thăng bằng, giống như đang đung đưa hoặc lắc lư, ngay cả khi bạn đã ngừng chuyển động. Tình trạng này thường giảm sau vài giờ nhưng đôi khi các triệu chứng có thể kéo dài hàng tuần hoặc thậm chí nhiều năm.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác bao gồm bước đi loạng choạng, khó tập trung hoặc cảm thấy mệt mỏi. Không có cách chữa trị, nhưng có thể kiểm soát các triệu chứng bằng thuốc và phục hồi chức năng tiền đình.
Nguồn: WebMD
Khi có các dấu hiệu bất thường về Tiền đình, hãy tìm đến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng không mong muốn xảy ra. Tại Pasteur, đội ngũ nhân viên y tế giàu kinh nghiệm, tận tình chu đáo cùng với trang bị hiện đại, hệ thống máy 4D/3D Voluson E6 giúp hỗ trợ bác sĩ phát hiện sớm những bất thường của người bệnh.