TÌM HIỂU VỀ BỆNH TĂNG HUYẾT ÁP

Một số tình huống hay gặp trong lâm sàng:
1. “Huyết áp tôi đo hơi cao, nhưng từ trước tới nay tôi không có đau đầu cũng như bất kỳ triệu chứng gì mà bác sĩ lại đòi kiểm tra, cho dùng thuốc?”
2. “Tôi được chẩn đoán tăng huyết áp, lúc nào nhức đầu thì dùng thuốc, còn không thì thôi”.
3. “Tôi bị tăng huyết áp đã lâu, dùng thuốc đều đặn hàng ngày, huyết áp đo tại nhà tầm 180-200, tôi thấy bình thường. Sáng nay nhức đầu nhiều, vào khám, huyết áp đo ra trên 200”.
????Vấn đề đặt ra:
1. Bệnh tăng huyết áp là gì?
2. Tại sao cần điều trị tăng huyết áp?
3. Theo dõi điều trị tăng huyết áp như thế nào?
_ _ _ _ _ _ _ _ _ _

1. BỆNH TĂNG HUYẾT ÁP LÀ GÌ?

Trước hết ta cần hiểu được huyết áp là gì?
– Huyết áp là áp lực máu tác động lên thành động mạch để đưa máu từ tim đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Huyết áp tạo ra do lực co bóp của cơ tim và sức cản của thành động mạch. Do đó huyết áp phụ thuộc vào hai yếu tố là cung lượng tim và Sức cản ngoại vi. (Cung lượng tim là lượng máu tim tống vào động mạch mỗi phút, trung bình đối với người Việt là khoảng 5 lít/phút. Còn sức cản ngoại vi có thể là độ co giãn (đàn hồi của thành động mạch; đường kính lòng động mạch, lòng động mạch càng hẹp thì áp lực tống máu đi phải càng lớn, do đó khi co mạch thì huyết áp sẽ tăng, còn ngược lại giãn mạch huyết áp sẽ hạ….). Huyết áp tăng dần theo tuổi. Nguyên nhân là do khi tuổi càng cao thì các mạch máu trở nên xơ cứng, làm tăng sức cản ngoại vi, làm cho huyết áp tăng theo. Do đó, khi cơ thể lão hóa thì khả năng bị tăng huyết áp cũng cao hơn. Huyết áp được đo bằng hai chỉ số là huyết áp tâm thu (HATT) được đo lúc tim co bóp để tống máu vào hệ tuần hoàn đi khắp cơ thể) và huyết áp tâm trương (HATTr) đo lúc tim nghỉ ngơi. Huyết áp được xem là tối ưu khi HATT < 120 mmHg và HATTr < 80 mmHg.
Bệnh tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu mỗi năm, chiếm tới 30% các trường hợp nhồi máu cơ tim. Ước tính khoảng 1,28 tỷ người trưởng thành ở độ tuổi 30-79 trên toàn thế giới có bệnh tăng huyết áp. Mặc dù tỉ lệ bệnh nhân mắc bệnh tăng huyết áp ngày một gia tăng, nhưng nhiều bệnh nhân vẫn không được chẩn đoán và điều trị. Bệnh tăng huyết áp là bệnh lý mạn tính, là tình trạng tăng liên tục của HATT lúc nghỉ (≥ 130 mmHg) hoặc HATTr lúc nghỉ (≥ 80 mm Hg), hoặc cả hai.
– Chẩn đoán bệnh tăng huyết áp không khó, cái khó đó chính là phải đo huyết áp chính xác. Tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán THA đó là mắc một máy đo huyết áp tự động theo dõi trong vòng 24 giờ. Ngoài ra thì các bác sĩ lâm sàng sẽ có một số cách khác để chẩn đoán, có thể là dựa trên trị số đo huyết áp tại phòng khám kết hợp với đo huyết áp tại nhà.
– Có nhiều cách phân loại tăng huyết áp. Thông thường, người ta chia ra làm hai loại. Một là tăng huyết áp không rõ nguyên nhân (hay còn gọi là THA tiên phát), loại này chiếm phần lớn trường hợp (khoảng 85%). Một số yếu tố nguy cơ dẫn đến THA tiên phát như là tuổi cao, lối sống căng thẳng, chế độ ăn nhiều muối… Hai là tăng huyết áp thứ phát, tức là xảy ra sau một bệnh lý thực thể, ví dụ như đái tháo đường, béo phì, các bệnh lý tại thận, bệnh lý tuyến giáp… Đứng trước một bệnh nhân được chẩn đoán là tăng huyết áp, bác sĩ lâm sàng cần thăm khám, đánh giá kỹ càng bởi nếu là THA thứ phát cần phải điều trị bệnh lý nền kèm theo. Ngoài ra, một số thể loại tăng huyết áp khác như cơn THA, THA cấp cứu, THA áo choàng trắng, THA thai kỳ… Ở bài viết này sẽ tập trung vào tăng huyết áp tiên phát (bệnh cảnh THA hay gặp nhất).
Tìm Hiểu Về Bệnh Tăng Huyết Áp
Thường xuyên kiểm tra sức khỏe đối với bệnh tăng huyết áp

2. TẠI SAO CẦN ĐIỀU TRỊ TĂNG HUYẾT ÁP? 

– Rất nhiều bệnh nhân thấy rằng mình không hề có bất kỳ triệu chứng gì, không đau đầu, chóng mặt ngay cả khi không dùng thuốc, mặc dù được chẩn đoán là bệnh THA vô căn. Do đó, tăng huyết áp tiên phát (vô căn) được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng”. Bởi vì hầu như bệnh nhân không có triệu chứng gì đặc biệt, ngay cả khi được bác sĩ chẩn đoán tăng huyết áp, được kê thuốc nhưng không điều trị thường xuyên.
– Nếu ta cứ duy trì áp lực trong thành mạch ở mức cao trong một khoảng thời gian lâu dài sẽ gây những tổn thương nghiêm trọng đến các cơ quan đích, đó là tim, là thận, là mắt, đặc biệt là não… Lấy một ví dụ minh họa rằng, khi bạn tập tạ cho cơ bắp (cơ vân) đều đặn mỗi ngày thì sẽ thấy bắp tay to lên, cơ tim cũng vậy. Khi ta duy trì áp lực ở thành động mạch cao, đòi hỏi tim cần co bóp với lực mạnh hơn để tống máu đi, dần dà cơ tim sẽ to lên, dẫn đến bệnh lý phì đại thất trái (dày thất trái), từ đó thay đổi cấu trúc và hoạt động của cơ tim, sau một thời gian khiến tim bị suy giảm chức năng gọi là suy tim. Do đó, điều trị huyết áp là điều trị cho tương lai – dự phòng các biến cố tim mạch (bệnh mạch vành, đột quỵ…), cũng như các thương tổn tại thận (tổn thương thận cấp tính), tại mắt (phù gai thị, xuất huyết võng mạc)… Một lần nữa cần nhấn mạnh lại rằng, điều trị tăng huyết áp là điều trị cho tương lai!

3. THEO DÕI ĐIỀU TRỊ TĂNG HUYẾT ÁP NHƯ THẾ NÀO?

– Một số bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh tăng huyết áp, dùng thuốc gần như đều đặn hàng ngày, có máy đo huyết áp tại nhà, theo dõi đo hàng ngày 180-200 mmHg, vẫn cảm thấy bình thường. Hôm nay có nhức đầu, đi khám, đo huyết áp tại phòng khám thì trên 200mmHg.
– Vấn đề đặt ra, liệu rằng có phải chỉ cần uống thuốc điều trị THA hàng ngày là đã đủ?
Tất nhiên nếu chỉ đơn thuần như vậy thì bệnh tăng huyết áp đã không trở thành một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới.
– Khi kê đơn thuốc để điều trị THA cho bệnh nhân, các bác sĩ thường khuyến khích bệnh nhân tự mua máy đo huyết áp để theo dõi tại nhà, nếu không thì nên quay trở lại phòng khám để đo lại huyết áp, đánh giá đáp ứng với điều trị. Đối với từng nhóm đối tượng khác nhau, có những mục tiêu (đích điều trị) khác nhau. Chiến lược điều trị tăng huyết áp là điều trị cá thể hóa, thay đổi lối sống và dùng thuốc. Thông thường, huyết áp mục tiêu” cần đạt là < 140/90 mmHg và thấp hơn nữa nếu người bệnh vẫn dung nạp được. Tuy nhiên như đã nói ở trên, với từng đối tượng khác nhau (độ tuổi, các bệnh đồng mắc) thì sẽ có các đích điều trị khác nhau. Bác sĩ thăm khám lâm sàng cần tư vấn, hướng dẫn và theo dõi kỹ bệnh nhân của mình.
– Trong thực hành lâm sàng, các Guideline (hướng dẫn) được các hiệp hội tăng huyết áp cập nhật liên tục hàng năm. Đòi hỏi các bác sĩ phải thường xuyên cập nhật các phác đồ điều trị mới, các thuốc mới được tung ra thị trường. Các nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp được chia làm hai loạị, đó là các nhóm thuốc đầu tay (điều trị khoảng 90% các trường hợp THA), và nhóm thuốc khác (được chỉ định đối với những trường hợp THA kháng trị hoặc có bệnh lý khác kèm theo). Đối với nhóm thuốc đầu tay gồm có các thuốc thuộc nhóm ức chế hệ Renin – Angiotensin – Aldosteron (ACEs/ABRs), lợi tiểu Thiazide và chẹn kênh Calci. Một số lưu ý đối với bệnh nhân rằng, các thuốc điều trị tăng huyết áp dùng liên tục kéo dài không gây quá nhiều vấn đề, tuy nhiên chúng vẫn có một số tác dụng không mong muốn như gây ho khan kéo dài, rối loạn điện giải (Kali máu)… Do đó, bệnh nhân phải tái khám sau 2 – 4 tuần để bác sĩ điều chỉnh liều cho phù hợp hoặc tái khám kiểm tra, theo dõi chức nặng thận…
TÓM LẠI:
– Tăng huyết áp là bệnh lý mạn tính, cần được thăm khám, phát hiện và điều trị sớm.
– Tăng huyết áp phần lớn là không rõ nguyên nhân (vô căn), và đa số bệnh nhân THA không có triệu chứng gì cho đến khi phát hiện bệnh. Đau đầu vùng chẩm, thái dương là triệu chứng thường gặp. Các triệu chứng khác: xoàng đầu, hồi hộp, mệt, khó thở, mờ mắt, dấu hiệu ruồi bay….
– Điều trị tăng huyết áp là điều trị cho tương lai! (Dự phòng các biến cố tim mạch, các bệnh lý tổn thượng thận, não…)
– Điều trị tăng huyết áp theo hướng cá thể hóa, thay đổi lối sống và dùng thuốc.
– Bệnh nhân cần tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, cần dùng thuốc đều đặn và tái khám kiểm tra định kỳ.
Tham khảo: Wikipedia
Bs Phan Ngọc Huyền – Phòng khám đa khoa Pasteur