Đau bụng cấp có thể là triệu chứng của nhiều loại bệnh lý khác nhau từ lành tính tới khẩn cấp; các triệu chứng cũng thiếu tính đặc hiệu và biểu hiện không điển hình. Vì vậy việc chẩn đoán đã trở thành thách thức đối với các bác sĩ lâm sàng. Lúc này, SIÊU ÂM sẽ đóng vai trò quan trọng để hỗ trợ sàng lọc và khu trú các loại bệnh thường gặp; chẩn đoán sớm và có hướng điều trị hiệu quả.
Tuy nhiên có rất nhiều người thắc mắc liệu siêu âm có phát hiện được các BỆNH LÝ Ở DẠ DÀY hay không. Một số người bệnh chưa hiểu rõ về vấn đề này đã có những lời trách móc hoặc chê bai trình độ bác sĩ siêu âm vì không phát hiện ra bệnh. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết của Bs Lê Thanh Thùy – Phòng khám đa khoa Pasteur ngay sau đây
1/ ĐAU BỤNG CẤP LÀ GÌ?
- Đau bụng cấp là 1 tác động làm suy sụp bệnh nhân trong vài giờ đến vài ngày (tối đa 5 ngày), đòi hỏi phải có sự can thiệp y khoa (nội khoa hay ngoại khoa).
- Trong giai đoạn sớm, biểu hiện của đau bụng cấp thường không đặc hiệu, việc chẩn đoán ban đầu dựa vào khai thác tiền sử, triệu chứng lâm sàng và một số xét nghiệm cơ bản giúp thu hẹp các chẩn đoán phân biệt.
2/ VAI TRÒ CỦA SIÊU ÂM TRONG CHẨN ĐOÁN NGUYÊN NHÂN ĐAU BỤNG CẤP
- Độ chính xác của siêu âm trong chẩn đoán đau bụng cấp là 53-83%, đặc biệt là trong các bệnh lý về đường mật, túi mật, viêm ruột thừa, viêm túi thừa.. thì siêu âm rất hiệu quả. Siêu âm kết hợp lâm sàng, xét nghiệm khác có thể phân biệt được cấp cứu bụng và đau bụng cấp không khẩn cấp với độ chính xác 70%.
- Vai trò và giá trị của mỗi phương pháp cận lâm sàng là khác nhau, tuy nhiên SIÊU ÂM được chỉ định thường quy đầu tay trong cấp cứu bụng.
Ưu điểm: không nhiễm xạ, rẻ tiền, có thể thực hiện tại giường và thích hợp cho mọi đối tượng (trẻ em, phụ nữ có thai) và lặp lại được.
Ví dụ: bệnh nhân nghi ngờ dịch (cần phân biệt dịch máu hay mủ) → chọc hút dịch dưới hướng dẫn siêu âm làm xét nghiệm và giảm áp cho bệnh nhân.
Một số bệnh lý thường gặp khi phát hiện trên siêu âm: Viêm ruột thừa cấp, Sỏi hệ niệu, Viêm tụy cấp, Viêm gan cấp, Viêm túi mật cấp,…
3/ SIÊU ÂM CÓ PHÁT HIỆN ĐƯỢC BỆNH LÝ DẠ DÀY KHÔNG?
Theo một số quan điểm, siêu âm không dùng để đánh giá dạ dày, tuy nhiên 1 số trường hợp siêu âm ghi nhận dấu hiệu bất thường thì cũng gợi ý 1 số bệnh lý.
Đối với dạ dày thì siêu âm không thể giúp bác sĩ quan sát chi tiết được tổn thương ở niêm mạc dạ dày do viêm loét, phát hiện vi khuẩn Hp gây bệnh dạ dày,…Ngoài ra, siêu âm cũng khó quan sát tất cả các vùng của dạ dày. Trong trường hợp người bệnh có cân nặng lớn thì các mô mỡ gây cản trở nhiều; thức ăn trong dạ dày và không khí ở đường ruột có thể cản trở sóng âm, gây khó khăn cho bác sĩ lấy được hình ảnh rõ nét⇾ khó xác định chính xác mức độ tổn thương.
Ví dụ:
Thành ruột có 5 lớp, sự nhu động và hình thái khác nhau. Đặc điểm nổi bật của siêu âm đường ruột là quan sát trong thời gian thực và sự dịch chuyển của khí giữa các niêm mạc. Bình thường hơi trong lòng ruột di chuyển dễ dàng. Trong trường hợp vùng khí cố định (mất tính nhu động) → khả năng là u sùi, vùng thâm nhiễm dạ dày. Khi đó cần đến NỘI SOI. Dấu hiệu tuy thuyết phục nhưng để tìm được dấu hiệu này chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong các bệnh lý của tạng rỗng.
→ Không dùng siêu âm để kết luận viêm dạ dày, … hoặc khi có những dấu hiệu rất cụ thể cũng chỉ “gợi ý” đến chẩn đoán, từ đó đề nghị các cận lâm sàng khác đặc hiệu hơn.
→ Khi người bệnh có những biểu hiện bất thường về dạ dày, bác sĩ có thể chỉ định siêu âm để phát hiện những bất ổn ở vùng bụng và dạ dày. Nhưng cần hiểu rõ rằng siêu âm chưa phải là biện pháp tối ưu nhất để có thể chẩn đoán bệnh đau dạ dày. Nếu muốn xác định rõ hơn về tình trạng bệnh thì cần nội soi dạ dày và thực hiện thêm các phương pháp chẩn đoán khác.
TÓM LẠI:
- Đau bụng cấp có thể là triệu chứng báo hiệu nhiều bệnh lý, có thể từ đơn giản đến nguy hiểm và tử vong. Vì thế, khi có cơn đau bụng dữ dội và không tìm được nguyên nhân thì bạn nên đến các cơ sở y tế.
- Khi đến cơ sở y tế, hãy tìm đến bác sĩ lâm sàng, sau quá trình khai thác bệnh sử, tiền sử và thăm khám lâm sàng +/- các cận lâm sàng phù hợp, bác sĩ sẽ loại trừ và khu trú các bệnh để đưa ra kết luận cuối cùng, từ đó có phác đồ điều trị hiệu quả.
Tham khảo: Wikipedia
Bs Lê Thanh Thùy – Phòng khám đa khoa Pasteur