Phòng ngừa nhiễm trùng trong thời kỳ mang thai

Khi mang thai phụ nữ thường hay nhạy cảm với các bệnh nhiễm trùng… Đôi khi những nhiễm trùng đơn giản nếu không xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng nặng hơn và nguy hiểm đến sức khỏe của người mẹ..

Bài viết sau đây Pasteur xin gửi đến các mẹ bầu 1 số các kiến thức cũng như các vấn đề cần chú ý trong việc phòng tránh và phòng ngừa nhiễm trùng trong thai kỳ.

Vấn Đề Cần Chú Ý Trong Việc Phòng Tránh Và Phòng Ngừa Nhiễm Trùng Trong Thai Kỳ.

1/ Tại sao phụ nữ mang thai nên phòng ngừa nhiễm trùng?

Phụ nữ mang thai nên cố gắng phòng ngừa nhiễm trùng vì một số bệnh nhiễm trùng có thể:

  • Trở nên trầm trọng hơn so với những người không mang thai
  • Lây truyền cho thai nhi
  • Gây ra vấn đề cho em bé sau khi sinh

2/ Làm thế nào một phụ nữ mang thai có thể bị nhiễm trùng?

Phụ nữ mang thai có thể bị nhiễm trùng từ người khác, động vật, muỗi và một số loại thực phẩm nhất định.

3/ Những bệnh nhiễm trùng nào có thể gây ra vấn đề cho mẹ và bé?

Nhiều bệnh nhiễm trùng có thể gây ra vấn đề sức khỏe cho mẹ và bé. Một số bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng được liệt kê dưới đây, nhưng những bệnh nhiễm trùng khác cũng cần được lưu ý:

+ Nhiễm Parvovirus, còn được gọi là “bệnh thứ năm” – Parvovirus lây từ người sang người. Nó có thể gây phát ban ở mặt, ngực, lưng, cánh tay và chân, gây đau khớp và đau nhức toàn thân. Nếu bạn đã ở gần một người bị nhiễm parvovirus, hãy nói với bác sĩ hoặc nhân viên chăm sóc y tế của bạn. Họ sẽ làm xét nghiệm máu để kiểm tra tình trạng nhiễm trùng nếu có.

+ Nhiễm Cytomegalovirus, còn được gọi là “CMV” – CMV có thể lây truyền qua đường tình dục, qua nước bọt, nước tiểu và các chất dịch khác của cơ thể. Nó có thể gây sốt, đau họng hoặc đau nhức toàn thân. Hãy cho bác sĩ hoặc nhân viên chăm sóc y tế biết nếu bạn có những triệu chứng trên. Họ có thể làm xét nghiệm máu để kiểm tra CMV.

+ Nhiễm Toxoplasmosis – Mọi người có thể bị nhiễm toxoplasmosis do ăn thịt chưa nấu chín hoặc chạm vào chất thải của mèo khi vệ sinh cho nó. Toxoplasmosis thường không gây ra triệu chứng ở người lớn.

Nhiễm Listeria – Listeria có thể gây sốt, ớn lạnh và đau lưng. Mọi người có thể nhiễm Listeria từ việc sử dụng thực phẩm ôi thiu. Đôi khi khó có thể xác định thực phẩm đã hư hỏng hay chưa. Do đó hầu hết các bác sĩ khuyên rằng phụ nữ mang thai nên tránh sử dụng sữa tươi, pho mát và thịt nguội. Hỏi thêm bác sĩ hoặc nhân viên chăm sóc y tế những thực phẩm phụ nữ mang thai nên tránh.

+ Vi-rút Zika – Mọi người có thể nhiễm vi-rút Zika từ vết muỗi đốt ở một số nơi trên thế giới hoặc qua quan hệ tình dục với người nhiễm vi-rút. Hầu hết những người bị nhiễm vi-rút Zika không có triệu chứng, hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ. Các triệu chứng có thể bao gồm sốt, phát ban, đau khớp và đau đầu.

Nếu bạn đang mang thai và gần đây có mặt trong khu vực có vi-rút Zika, hãy nói với bác sĩ hoặc nhân viên chăm sóc y tế. Và hãy trao đổi với họ nếu bạn có quan hệ tình dục không an toàn với bất kỳ ai nhiễm (hoặc có thể nhiễm) vi-rút Zika.

4/ Những thông tin về tiêm phòng vắc-xin và mang thai mà tôi cần biết

Vắc-xin có thể ngăn ngừa một số bệnh nhiễm trùng dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng thậm chí là tử vong. Một số vắc-xin an toàn khi được tiêm chủng trong quá trình mang thai. Chúng bao gồm vắc-xin để ngăn ngừa:

  • Nhiễm Influenza (cúm) – Cúm có thể gây sốt, ớn lạnh, đau cơ, ho hoặc đau họng. Tất cả người lớn nên tiêm vắc-xin ngăn ngừa cúm mỗi năm.
  • Uốn ván, bạch hầu và ho gà – Uốn ván làm cho các cơ hoạt động bất thường. Bạch hầu hình thành lớp giả mạc ở phía sau cổ họng có thể dẫn đến các vấn đề về hô hấp. Ho gà gây ho dữ dội. Tất cả phụ nữ mang thai nên tiêm vắc-xin uốn ván, bạch hầu và ho gà vào tuần thứ 27 đến 36 của thai kỳ, ngay cả khi họ đã tiêm phòng trước đó. Em bé bị ho gà có thể bị nhiễm trùng rất nặng.

Những Thông Tin Về Tiêm Phòng Vắc-Xin

5/ Tôi có thể làm gì để phòng ngừa bị nhiễm trùng?

Bạn có thể giảm khả năng bị nhiễm trùng theo những cách khác nhau, ví dụ:

  • Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi chuẩn bị thức ăn. Ngoài ra, bạn nên rửa tay sau khi đi vệ sinh, thay tã, làm vườn, chạm vào rác thải hoặc động vật.
  • Tránh dùng chung đồ ăn, thức uống hoặc dụng cụ ăn uống với người khác
  • Chú ý an toàn thực phẩm và tham khảo các mẹo an toàn thực phẩm
  • Tránh bị muỗi đốt bằng cách sử dụng thuốc xịt côn trùng, mặc quần áo dài tay và tránh những nơi thiếu ánh sáng
  • Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục. Nếu chồng của bạn bị nhiễm trùng bạn có thể bị lây nhiễm trong khi quan hệ
  • Tránh du lịch đến các quốc gia đang có những đợt bùng phát các bệnh truyền nhiễm
  • Tránh chạm vào chuột
  • Tránh làm vệ sinh cho mèo – Nếu bạn cần dọn chất thải của mèo, hãy sử dụng găng tay và rửa tay sau đó
  • Hãy chắc chắn rằng các thành viên trong gia đình của bạn tiêm phòng đủ vắc-xin để họ luôn khỏe mạnh.

6/ Rửa tay đúng cách như thế nào?

Các bước rửa tay là:

  • Làm ướt sau đó thoa xà phòng lên tay
  • Chà hai bàn tay vào nhau trong 15 đến 30 giây. Đảm bảo làm sạch cổ tay, móng tay và ở giữa kẽ các ngón tay của bạn.
  • Rửa tay với nước sạch
  • Lau khô tay

Nếu không có bồn rửa, bạn có thể sử dụng gel rửa tay để làm sạch tay. Các loại gel làm sạch tay tốt nhất là những loại gel có cồn.

7/ Nhiễm trùng trong thai kỳ được điều trị như thế nào?

Điều trị phụ thuộc vào:

+ Loại nhiễm trùng

+ Lưu ý nhiễm trùng có thể sẽ gây hại cho mẹ và thai nhi.

Nếu bạn bị nhiễm trùng, hãy trao đổi với bác sĩ hoặc nhân viên chăm sóc y tế về phương pháp điều trị phù hợp với bạn.

Xem thêm 1 số bài viết hữu ích khác