Loãng xương là tình trạng bệnh lý của hệ thống xương, đặc trưng bởi sự suy giảm khối lượng xương và tổn thương vi cấu trúc của tổ chức xương, gây hậu quả là xương trở nên giòn và dễ gãy. – đến mức một cú ngã, thậm chí những tác động nhẹ như cúi xuống hoặc ho cũng có thể gây gãy xương. Gãy xương do loãng xương thường xảy ra nhất ở cổ xương đùi, xương cổ tay hoặc cột sống. Hiện nay trên thế giới, số phụ nữ bị loãng xương chiếm tỷ lệ rất cao, nhất là sau độ tuổi mãn kinh.
Vậy tại sao phụ nữ mãn kinh lại tăng nguy cơ loãng xương và cách phòng ngừa tình trạng này như thế nào? Cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết sau đây.
VÌ SAO PHỤ NỮ MÃN KINH DỄ BỊ LOÃNG XƯƠNG?
– Khối lượng xương đỉnh (là mật độ xương đạt được ở thời điểm trưởng thành của cơ thể và khung xương có cấu trúc hoàn thiện nhất) của nam giới luôn cao hơn nữ giới. Khối lượng xương đỉnh ở nam cao hơn nữ khoảng 30%
– Khung xương nhỏ hơn và nhẹ hơn nam; đường kính các xương cũng nhỏ hơn nên yếu và dễ bị gãy hơn
– Giảm nhanh estrogen máu sau mãn kinh => Tăng quá trình hủy xương nhiều hơn quá trình tạo xương => mất xương nhanh
– Xương bị mất do cung cấp dinh dưỡng (calci) cho thai trong khi mang thai và cho con bú
– Nữ giới sống thọ hơn nam giới, mà tuổi càng cao tốc độ mất xương càng cao => tăng tỷ lệ loãng xương.
BIỂU HIỆN LÂM SÀNG
- Giai đoạn sớm:
Loãng xương là một bệnh thầm lặng
Đạ phần không có triệu chứng cho đến khi có gãy xương.
- Giai đoạn muộn
– Gãy xương: tự nhiên hoặc sau chấn thương nhẹ:
+ Gãy (xẹp) lún thân đốt sống
+ Gãy cổ xương đùi
+ Gãy đầu dưới xương quay
– Đau lưng cấp, mạn tính do xẹp lún các thân đót sống
+ Đau lưng cấp tính, đau nhiều, vùng lưng- thắt lưng, có thể lan ra trước bụng và ngực, kéo dài 1-2 tuần, đỡ khi nằm
+ Đau lưng mạn tính, biến dạng cột sống
– Hậu quả của xẹp lún đốt sống
+ Gù lưng, giảm chiều cao.
+ Đau cơ cạnh cột sống
+ Xương sườn cuối chạm cọ sát mào chậu
Hệ quả của gãy xương:
– Tăng nguy cơ gãy xương lần sau
– Tăng nguy cơ tử vong
– Giảm chất lượng cuộc sống
– Tăng chi phí chăm sóc sức khỏe
CHẨN ĐOÁN LOÃNG XƯƠNG NHƯ THẾ NÀO?
- Gãy xương bệnh lý
– Chẩn đoán lâm sàng có thể được thực hiện khi có gãy xương bệnh lý, đặc biệt là ở cột sống, cổ xương đùi, cổ tay, xương cánh tay, xương sườn và xương chậu mà không cần đo mật độ xương (Bone mineral density). Những gãy xương xảy ra tự phát hoặc do chấn thương nhẹ, chẳng hạn như ngã từ độ cao đang đứng trở xuống, do các lực cơ học thường không gây ra gãy xương. Giảm mật độ xương là một yếu tố nguy cơ chính gây gãy xương bệnh lý.
- DEXA – dual-energy x-ray absorptiometry
– Đây là một phương pháp đo mật độ khoáng của xương bằng cách chụp Xquang năng lượng kép. Sau đó đánh giá thông qua thang điểm T-scores (so sánh mật độ xương với nhóm người trưởng thành khỏe mạnh) và Z-scores (so sánh mật độ xương với nhóm người khỏe mạnh có cùng độ tuổi, chủng tộc, giới tính)
PHÒNG NGỪA LOÃNG XƯƠNG
- Tăng mật độ xương đỉnh khi còn trẻ
– Dinh dưỡng: cần bổ sung đủ Calci và vitamin D từ khi còn trẻ. Trẻ em từ 9 đến 18 tuổi nên tiêu thụ khoảng 1300 mg Calci mỗi ngày, tốt nhất là từ thực phẩm giàu Calci hoặc tăng cường Calci. Cần có đủ vitamin D (600 IU) để thúc đẩy quá trình hấp thụ Calci ở ruột.
– Hoạt động thể chất: vận động thể chất phù hợp giúp tích tụ xương trong quá trình phát triển
– Yếu tố lối sống khác: hút thuốc lá và dùng nhiều bia rượu gia tăng nguy cơ loãng xương
- Giảm mất xương ở tuổi mãn kinh
– Thay đổi lối sống
o Hoạt động thể chất thường xuyên khoảng 30 phút mỗi ngày, dinh dưỡng đầy đủ (protein, calci, vitamin D), bỏ thuốc lá, không uống rượu, phòng ngừa té ngã
o Calci và vitamin D: 800 IU/ngày với vitamin D và 1200 mg/ngày nguyên tố Calci (tốt nhất là từ chế độ ăn, bổ sung thêm nếu cần)
– Điều trị thuốc giảm thiểu mất xương: bao gồm nội tiết tố, biphosphonate, thuốc điều hòa thụ thể estrogen chọn lọc (SERMs), nên được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa
Tài liệu tham khảo:
https://www.uptodate.com/…/overview-of-the-management…
https://www.uptodate.com/contents/prevention-of-osteoporosis
Bs Trần Trọng Nhân – Phòng khám đa khoa Pasteur