MỐI NGUY HIỂM CỦA BỆNH VIÊM KẾT MẠC

Viêm kết mạc hay còn được gọi là “bệnh đau mắt đỏ”, là tình trạng viêm kết mạc mắt do nhiễm trùng hoặc dị ứng. Mắt của bạn sẽ đỏ và sưng lên, và đôi khi tiết gỉ ghèn . Bạn có thể viêm kết mạc một mắt hoặc cả hai mắt. Một số loại đau mắt đỏ rất dễ lây nhiễm (từ người sang người), nhưng một số thì không.

Những nguyên nhân chính gây viêm kết mạc là gì?

Viêm kết mạc có thể gây ra bởi virus, vi khuẩn hoặc bởi dị ứng. Đau mắt đỏ do vi khuẩn và virus rất dễ lây lan từ người sang người. Viêm kết mạc do dị dựng không lây nhiễm.

Viêm kết mạc do virus

Viêm kết mạc do virus là loại viêm kết mạc phổ biến nhất. Loại đau mắt đỏ này rất dễ lây lan, nhất là trong trường học và những nơi đông đúc. Nó thường gây cay, đỏ mắt và chảy nước mắt . Đau mắt đỏ do virus thường do cùng một số loại virus gây sổ mũi, đau họng ở những người bị cảm lạnh thông thường.

Viêm kết mạc do vi khuẩn

Viêm kết mạc do vi khuẩn cũng rất dễ lây lan. Nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra dạng đau mắt đỏ này. Với đau mắt đỏ do vi khuẩn, chúng có thể gây đau, đỏ và tiết nhiều mủ đặc dính trong mắt. Tuy nhiên, một số nhiễm trùng do vi khuẩn có thể tiết ít hoặc không tiết dịch. Thỉnh thoảng vi khuẩn gây đau mắt đỏ cùng loại với liên cầu khuẩn gây viêm họng. 

Viêm kết mạc do dị ứng

Viêm kết mạc do dị ứng là một loại đỏ mắt do phản ứng dị ứng với phấn hoa , vật nuôi, khói thuốc lá, Clo ở bể bơi, khói xe hoặc những dị nguyên khác trong môi trường. Nó không lây lan. Đau mắt đỏ do dị ứng có thể làm cho mắt bạn rất ngứa, đỏ và tiết nước mắt, và mí mắt có thể sưng húp lên.

Bạn bị viêm kết mạc như thế nào?

Viêm kết mac do vi khuẩn hoặc virus khá dễ lây lan. Những cách lây lan phổ biến nhất từ người đỏ mắt đó là: 

  • Tiếp xúc trực tiếp với chất tiết của người bị nhiễm bệnh, thường là tiếp xúc qua tay với mắt.
  • Lây lan nhiễm trùng từ vi khuẩn sống trong mũi, xoang của chính người đó.
  • Không vệ sinh kính áp tròng (lenses) đúng cách.

Trẻ em là đối tượng dễ bị đỏ mắt do virus hoặc vi khuẩn nhất. Bởi vì chúng tiếp xúc với rất nhiều người ở trường học hoặc trung tâm chăm sóc ban ngày. Cũng như là thực hành vệ sinh cá nhân chưa tốt.

Triệu Chứng Của Viêm Kết Mạc
Triệu chứng của viêm kết mạc

Làm thể nào tôi có thể nhận biết được tôi đang bị đau mắt đỏ?

Những triệu chứng đau mắt đỏ có thể bao gồm:

  • Cảm giác có thứ gì cộm, xốn trong mắt
  • Đỏ mắt
  • Cay mắt 
  • Ngứa mắt
  • Đau mắt (thường gặp trong viêm kết mạc do vi khuẩn)
  • Chảy nước mắt
  • Sưng mí mắt
  • Nhìn mờ 
  • Rất nhạy cảm với ánh sáng
  • Tiết nhìu dịch nhầy, mủ, gỉ ghèn từ mắt. Có thể làm lông mi dánh vào nhau.

Điều trị tốt nhất cho viêm kết mạc mắt là gì?

Điều trị đỏ mắt thường tùy thuộc vào loại tác nhân gây đau mắt đỏ

  • Không có điều trị đặc hiệu cho bệnh viêm kết mạc vì hầu hết chúng do các loại virus gây ra. Hệ miễn dịch sẽ tự chống lại virus. Đắp khăn ướt, mát lên mắt có thể giúp dễ chịu hơn.
  • Nếu bệnh mắt đỏ gây ra bởi nhiễm trùng do vi khuẩn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh nhỏ mắt tùy vào mức độ nghiêm trọng của triệu chứng. Kháng sinh không được dùng trong điều trị bởi nhiễm trùng do virus hoặc dị ứng.
  • Nếu viêm kết mạc là do dị ứng, bạn có thể được đề nghị sử dụng một số loại thuốc nhỏ mắt để giảm ngứa và giảm viêm.
  • Đôi khi viêm kết mạc có thể do hóa chất hoặc chất khác dính vào mắt gây ra. Trong trường hợp này, rửa sạch mắt để loại bỏ các chất này. Bạn có thể sử dụng một số loại thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ cho mắt.

Viêm kết mạc thường tự khỏi sau 1 – 2 tuần. Nếu triệu chứng kéo dài hơn, bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa mắt. 

Làm thế nào để bạn ngăn chặn lây truyền bệnh viêm kết mạc?

Viêm kết mạc do virus hoặc vi khuẩn có thể lây từ người sang người. Hãy làm theo những hướng dẫn này để bạn không lây nhiễm cho người khác hoặc lây nhiễm lại cho chính mình.

  • Sử dụng khăn sạch hoặc khăn giấy mỗi lần lau mặt và mắt. 
  • Rứa tay thường xuyên. Luôn luôn rửa tay trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc sau khi hắt hơi hoặc ho.
  • Cố gắng không chạm vào mắt. Nếu chạm tay vào, cần rửa tay ngay lập tức. 
  • Vi khuẩn có thể sống trong lớp trang điểm và điều này có thể gây ra bệnh đau mắt đỏ và thậm chí là nhiễm trùng giác mạc nguy hiểm. Do đó không trang điểm mắt khi mắt đang bị nhiễm trùng. Thay thế đồ trang điểm nếu bạn bị nhiễm trùng mắt. Và không dùng chung đồ trang điểm mắt với người khác.
  • Đảm bảo làm sạch hoặc thay kính áp tròng của bạn chính xác như bác sĩ chuyên khoa mắt khuyến nghị. Không nên đeo kính áp tròng cho đến khi hết viêm kết mạc.

Tham khảo: American Academy of Ophthalmology

>> Để được thăm khám khi có các biểu hiện về mắt tại khoa Nội tiết phòng khám Pasteur, vui lòng liên hệ Tổng đài 0236 9999 868