Loét dạ dày tá tràng là một bệnh lý tiêu hóa phổ biến, khoảng 5-10% dân số thế giới mắc bệnh lý này ít nhất một lần trong đời. Trong đó, loét tá tràng phổ biến hơn loét dạ dày gấp 4 lần. Ngoài ra, loét tá tràng phổ biến ở nam giới hơn so với nữ giới. Loét dạ dày tá tràng đặc trưng bởi sự mất liên tục của lớp niêm mạc đường tiêu hóa và lan vào lớp cơ.
Tại Phòng khám Đa khoa Pasteur, chúng tôi cung cấp dịch vụ khám và điều trị loét dạ dày tá tràng với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, sẵn sàng đồng hành cùng bạn trong việc bảo vệ sức khỏe tiêu hóa.
1. Nguyên Nhân Gây Loét Dạ Dày Tá Tràng
Loét dạ dày – tá tràng xảy ra do sự mất cân bằng giữa yếu tố bảo vệ và yếu tố phá hủy niêm mạc dạ dày. Helicobacter pylori (H.pylori) và NSAIDs là hai nguyên nhân hàng đầu của loét dạ dày – tá tràng.
1.1. Helicobacter pylori (H. pylori):
- Đây là nguyên nhân của khoảng 90% các trường hợp loét tá tràng và 70-90% loét dạ dày.
- Là trực khuẩn gram âm được tìm thấy trong các tế bào biểu mô dạ dày.
1.2. Sử dụng thuốc NSAIDs:
- Prostaglandin giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày. NSAIDs ngăn sự tổng hợp prostaglandin bằng cách ức chế COX-1, dẫn đến giảm sản xuất lớp chất nhầy và bicarbonate, ngoài ra còn làm giảm lưu lượng máu đến niêm mạc dạ dày.
- Sử dụng NSAIDs là nguyên nhân phổ biến thứ hai sau nhiễm H.pylori
1.3. Các yếu tố nguy cơ khác
- Hội chứng Zollinger-Ellison.
- Nhiễm virus.
- Bệnh Crohn
- Bệnh lý ác tính (ung thư dạ dày, ung thư phổi).
- Bệnh cấp tính, bỏng, chấn thương đầu
- Thiếu máu
- Xạ trị, hóa trị
- Hút thuốc lá cũng có vai trò trong loét tá tràng, tuy nhiên mối tương quan không tuyến tính. Rượu có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày gây tăng tiết acid.
Đừng chủ quan với các triệu chứng của loét dạ dày – tá tràng. Đặt lịch khám tại Phòng khám Đa khoa Pasteur để được kiểm tra kỹ lưỡng và tư vấn điều trị.
2. Triệu Chứng Loét Dạ Dày Tá Tràng
Triệu chứng có thể khác nhau tùy thuộc vào vị trí loét. Các triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Đau bụng vùng thượng vị:
- Loét dạ dày: Thường đau sau ăn khoảng 15-30 phút
- Loét tá tràng: Thường đau sau ăn khoảng 2-3 giờ, đau về đêm
- Đầy bụng, chướng hơi
- Buồn nôn và nôn
- Tăng/giảm cân
- Nôn ra máu
- Đi tiêu phân đen
Các triệu chứng báo động bao gồm:
- Sụt cân không chủ đích
- Khó nuốt tiến triển
- Xuất huyết tiêu hóa
- Thiếu máu thiếu sắt không rõ nguyên nhân
- Nôn tái diễn
- Tiền căn gia đình có bệnh lý ác tính đường tiêu hóa trên
3. Phương pháp Cận lâm sàng thường được chỉ định
- Xét nghiệm tìm vi khuẩn H.pylori được khuyến cáo ở tất cả các bệnh nhân bị loét dạ dày – tá tràng.
- Nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng: Là tiêu chuẩn vàng với độ nhạy và độ đặc hiệu lên đến 90%. Được chỉ định ở những bệnh nhân trên 50 tuổi và triệu chứng mới xuất hiện, bệnh nhân có các triệu chứng báo động bất kể độ tuổi.
- Chụp cắt lớp vi tính bụng có cản quang có giá trị hạn chế trong chẩn đoán loét dạ dày – tá tràng nhưng hữu ích trong việc phát hiện các biến chứng như thủng, tắc nghẽn đường ra dạ dày.
4. Chẩn đoán Loét dạ dày tá tràng
Dựa vào bệnh sử và cận lâm sàng.
Cần phân biệt với:
- Viêm dạ dày
- Trào ngược dạ dày – thực quản (GERD)
- Ung thư dạ dày
- Viêm tụy
- Cơn đau quặn mật
- Nhồi máu cơ tim
- Thiếu máu cục bộ mạc treo
5. Biến chứng Loét dạ dày tá tràng
Loét dạ dày – tá tràng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như:
- Xuất huyết tiêu hóa trên
- Tắc nghẽn đường ra dạ dày
- Thủng
- Ung thư dạ dày
6. Điều trị Loét dạ dày tá tràng
1. Điều trị nguyên nhân
- Diệt trừ H.pylori nếu bị nhiễm: Phác đồ 4 thuốc chứa Bismuth trong 14 ngày
- Dừng hoặc giảm liều các thuốc NSAIDs đang sử dụng nếu có thể.
2. Điều trị vết loét
Thuốc ức chế tiết acid dạ dày: Bao gồm thuốc ức chế bơm proton (PPI) và thuốc đối kháng thụ thể H2. PPI được sử dụng phổ biến hơn do khả năng chữa lành và hiệu quả vượt trội. PPI ngăn việc sản xuất acid dạ dày, giúp giảm các triệu chứng và thúc đẩy quá trình lành vết loét. Cân nhắc bổ sung thêm calci vì sử dụng PPI trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ gãy xương.
Phẫu thuật được chỉ định nếu bệnh nhân không đáp ứng điều trị hoặc nguy cơ cao bị biến chứng. Loét kháng trị là vết loét có đường kính trên 5mm không lành mặc dù đã điều trị 8-12 tuần. Nguyên nhân phổ biến là nhiễm H.pylori dai dẳng, vẫn tiếp tục sử dụng NSAIDs hoặc các bệnh đi kèm làm chậm quá trình lành vết loét. Nếu vết loét vẫn dai dẳng dù đã giải quyết các nguyên nhân trên, có thể cần điều trị ngoại khoa. Các lựa chọn phẫu thuật bao gồm cắt dây thần kinh phế vị hoặc cắt dạ dày một phần.
3. Thay đổi lối sống
Chế độ ăn uống không liên quan đến việc hình thành, điều trị hay dự phòng loét dạ dày – tá tràng. Tuy nhiên, một số loại thực phẩm có thể gây tăng tiết acid dạ dày khiến triệu chứng trầm trọng hơn và gây khó chịu. Trước tiên, bữa ăn cần đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng để cơ thể đủ nguyên liệu phục hồi niêm mạc đường tiêu hóa. Tuy nhiên, nên tránh sử dụng các thực phẩm chứa đường disaccharides (bánh ngọt, kẹo, kem, soda, đồ uống có đường khác,…) cũng như chất béo bão hòa.
Ngoài ra, chế độ ăn uống nên:
- Hạn chế các thực phẩm có tính acid: trái cây họ cam quýt, cà chua
- Giàu chất xơ: Các loại thức ăn giàu chất xơ như trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt góp phần tăng nhu động ruột, từ đó giảm thời gian vận chuyển thức ăn trong đường ruột và giảm cảm giác chướng bụng. Một vài loại có chứa prebiotic cần thiết cho sự phát triển của lợi khuẩn.
- Sử dụng các thực phẩm giàu probiotic như sữa chua và các thực phẩm lên men giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột.
- Hạn chế đồ ăn cay.
- Hạn chế rượu bia, sử dụng không quá 2 đơn vị/ngày đối với nam, 1 đơn vị/ngày đối với nữ.
Trong đó, 1 đơn vị tương đương với:
+ 354 ml bia (nồng độ cồn 5%) = 1 lon bia
+ 150 ml rượu vang (nồng độ cồn 12%)
+ 45 ml rượu mạnh (nồng độ cồn 40%)
Cũng cần lưu ý, chế độ ăn uống nên được điều chỉnh cho phù hợp với từng cá nhân cụ thể cũng như bệnh lý đi kèm.
Ngưng hút thuốc lá.
Giảm cân ở những bệnh nhân béo phì.
Loét dạ dày tá tràng là bệnh lý phổ biến nhưng có thể kiểm soát tốt nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Hãy chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo và thay đổi lối sống lành mạnh. Phòng khám đa khoa Pasteur là địa chỉ tin cậy giúp bạn chăm sóc sức khỏe tiêu hóa toàn diện.
Đặt lịch khám tại Phòng khám đa khoa Pasteur, quý khách hàng có thể liên hệ Tổng đài 0236 9999 868 hoặc đăng ký tại đây.
Nguồn tham khảo:
2. NIDDK. 2022. Eating, Diet, & Nutrition for Peptic Ulcers (Stomach and Duodenal Ulcers.
3. Prathiksa Pramanik. 2023. Application of therapeutic diet for controlling peptic ulcer: A review.
4. Elizabeth Millard. 2023. Alcohol and Ulcers: Risks and Effects Explained.