Hiện nay hầu hết các bệnh lý tim mạch đều được chẩn đoán thông qua thăm dò đo điện tâm đồ (ECG). Việc thực hiện kịp thời phương pháp này có ý nghĩa rất lớn đối với quá trình chăm sóc sức khỏe tim mạch của chúng ta.
1. Thăm dò ECG là gì?
Phương pháp thăm dò ECG thường được chúng ta biết đến qua cái tên đo điện tim hoặc điện tâm đồ. Xét nghiệm này có nhiệm vụ đo các tín hiệu điện của tim, cụ thể là các thông tin liên quan đến hoạt động, tốc độ vận chuyển máu của tim.
ECG dựa vào nguyên lý chung của tim khi bơm máu cho cơ thể là các biến thiên dòng điện sinh ra theo nhịp co bóp. Mỗi biến thiên sẽ được biểu hiện bằng một đường cong. Dựa vào dạng dữ liệu này bác sĩ sẽ nắm được khả năng bơm máu của tim tại thời điểm đó.
ECG cho phép bác sĩ có thể áp dụng trong nhiều tình huống y khoa khác nhau để theo dõi tình trạng sức khỏe tim của bệnh nhân.
2. Làm thăm dò ECG có đau không?
Đây là băn khoăn của rất nhiều bệnh nhân khi được bác sĩ yêu cầu thực hiện xét nghiệm. Các dạng ECG hiện nay thuộc nhóm xét nghiệm không xâm lấn nên bệnh nhân sẽ không có cảm giác đau đớn trong và sau thời gian thực hiện.
Ngoài ra ECG có sử dụng dòng điện để đo được các biến thiên của tim mạch, tuy nhiên các bạn có thể hoàn toàn yên tâm rằng người bệnh không có khả năng bị ảnh hưởng do điện giật. Các điện cực mà cơ thể chúng ta tiếp xúc trong quá trình làm xét nghiệm không phát hay truyền điện mà chỉ có khả năng ghi lại chuyển động của điện tim.
Hầu hết các bệnh nhân đã thực hiện ECG đều khẳng định không có bất kỳ tác dụng phụ nào sau khi thực hiện xét nghiệm này cả. Một số ít trường hợp có ghi nhận cảm giác khó chịu khi bác sĩ tháo các điện cực ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên cảm giác này không duy trì lâu.
3. Khi nào chúng ta có thể thực hiện thăm dò ECG?
Chúng ta hoàn toàn có thể tự nguyện yêu cầu thực hiện ECG để có thể đảm bảo sức khỏe tim mạch nói chung. Xét nghiệm này sẽ giúp chúng ta tầm soát được rất nhiều loại bệnh liên quan đến tim mạch. Đặc biệt nếu bạn thuộc nhóm người đã cao tuổi, có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao.
Ngoài ra nếu bạn thuộc nhóm người thường xuyên hoạt động thể lực ở tần suất cao như vận động viên thi đấu và tập luyện các bộ môn thể thao (gồm có chạy bộ, đạp xe, bơi lội,…) hoặc hoạt động thể lực nặng kéo dài thì ECG lại càng cần thiết. Bạn nên liên hệ thường xuyên với bác sĩ tim mạch để có thể thực hiện đo điện tim định kỳ, đảm bảo sức khỏe cho cơ thể.
Tuy nhiên bạn cần đến bệnh viện để thực hiện xét nghiệm này trong thời gian gần nhất nếu cơ thể bạn đang bộc lộ các triệu chứng dưới đây:
- Cơ thể bị suy kiệt kéo dài mà không rõ nguyên nhân. Buổi sáng thức dậy cảm thấy cơ thể mệt mỏi, choáng váng hoặc có cảm giác như kiệt sức, thở dốc,…
- Thường xuyên hoa mắt, chóng mặt khi làm việc hoặc sinh hoạt, các biểu hiện như hồi hộp, tim đập mạnh, lo lắng, bồn chồn xuất hiện dày đặc, không kiểm soát.
- Thỉnh thoảng bị đau thắt ngực bên trái, nơi có vị trí trái tim.
- Đã từng bất ngờ bị ngất xỉu hoặc mất ý thức trong thời gian ngắn.
- Người mắc bệnh huyết áp cao, đái tháo đường hoặc có các chứng rối loạn chuyển hóa đường máu, mỡ máu cao,…
- Người hút thuốc lá trong thời gian dài.
- Gia đình có người bị đột tử do nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim hoặc có gen di truyền các bệnh lý liên quan đến tim mạch.
4. Các lưu ý khi thực hiện thăm dò ECG
* Trước khi thực hiện xét nghiệm
Vì có rất nhiều nguyên nhân có thể ảnh hưởng đến kết quả đo điện tâm đồ ECG nên bạn cần có thời gian ngồi lại và trao đổi với bác sĩ. Bạn cần nêu các triệu chứng biểu hiện sự bất thường của sức khỏe tim mạch cho bác sĩ trước, cụ thể là các triệu chứng như đau, tức ngực, khó thở,… Các thông tin liên quan đến bệnh sử như gia đình có tiền sử bệnh lý tim mạch hay không, bản thân có mắc các bệnh nào khác như huyết áp hoặc tiểu đường,…
Bạn cũng có thể đề cập đến một số nguyên nhân khách quan quan trọng, gây ảnh hưởng như các thay đổi lớn hoặc cú sốc tâm lý cho bác sĩ nắm rõ, phục vụ giai đoạn chẩn đoán và điều trị bệnh (nếu có).
Chuẩn bị cho việc thực hiện đo điện tim ECG, người bệnh không cần phải nhịn ăn nhưng bạn nên xin ý kiến bác sĩ về các loại thuốc mà bạn đang sử dụng. Nên nêu rõ, đầy đủ tên các loại thuốc, thực phẩm chức năng bạn đang sử dụng. Tốt nhất là bạn đem đơn thuốc đang được chỉ định sử dụng đến để bác sĩ chuyên khoa tham khảo.
Trước khi đến bệnh viện để đo điện tâm đồ ECG, bạn nên cởi bỏ từ nhà tất cả các vật dụng bằng kim loại (thắt lưng hoặc đồng hồ), nữ trang ra khỏi cơ thể. Các vật nhỏ như chìa khóa cũng nên bỏ ở ngoài phòng đo điện tâm đồ. Các vật liệu kim loại này sẽ gây nhiễu, làm gián đoạn quá trình dùng điện cực để ghi điện tim.
* Trong khi thực hiện xét nghiệm
Bạn sẽ được nhân viên y tế hướng dẫn cụ thể trước khi bước vào giai đoạn thực hiện đo điện tim.
Bạn sẽ được yêu cầu nằm (hoặc ngồi tùy theo thể trạng), cởi nút áo để lộ phần ngực trên. Hai tay và chân buông lỏng, duỗi tự nhiên. Toàn bộ cơ thể thả lỏng, thở đều và giữ tinh thần ổn định, thư thái. Bạn sẽ cần hạn chế tối đa các chuyển động cơ thể trong lúc này.
Bạn nên chú ý lắng nghe và tuân thủ sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa trong toàn bộ quá trình đo.
Việc thực hiện đo điện tâm đồ ECG có thể được thực hiện nhiều lần trong các khoảng thời gian khác nhau nhằm đạt được hiệu quả chẩn đoán tốt và khách quan nhất.
Tham khảo: Wikipedia
>> Để có thể đặt lịch đo điện tâm đồ cũng như tầm soát các bệnh lý liên quan đến tim mạch, vui lòng liên hệ với Pasteur qua Tổng đài 0236 9999 868