Dày sừng nang lông là gì?
Dày sừng nang lông (Keratosis Pilaris) là tình trạng lành tính thường gặp với các nút tăng sừng ở vị trí nang lông. Da của người bệnh có các sẩn nhô lên khỏi mặt da thô ráp, sần sùi. Bệnh thường gặp ở khoảng 50 – 80% thanh thiếu niên và 40% ở người trưởng thành. Bệnh thường gặp ở nam hơn nữ giới.
Nguyên nhân gây ra dày sừng nang lông
Dày sừng nang lông liên quan đến yếu tố di truyền. Một số yếu tố khác có liên quan như: thừa cân béo phì, da khô, dị ứng, mang thai…
Dày sừng nang lông là do keratin tích tụ gây nên. Đây là một loại protein cứng ở lông và tóc, đóng vai trò bảo vệ da trước những tác nhân gây nhiễm trùng và các chất có hại. Khi các keratin tích tụ sẽ tạo nên nút tế bào chết và khiến nang lông bị chặn vít lại. Ở những người bị bệnh khi có quá nhiều nút tế bào sẽ khiến da trở nên sần sùi.
Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân khiến keratin tích tụ dưới da gây dày sừng nang lông là gì. Nhưng có thể xét tới một vài yếu tố sau làm gia tăng nguy cơ dày sừng nang lông:
Do di truyền: trong gia đình có người thân bị dày sừng nang lông;
Da khô;
Hen suyễn;
Thừa cân;
Viêm da cơ địa (bệnh chàm);
Vệ sinh cơ thể không sạch sẽ;
Sốt cỏ khô.
Các triệu chứng khi bị dày sừng nang lông
Dày sừng nang lông thường gặp ở mặt ngoài mặt ngoài và mặt duỗi của phần xa tay và chân, mông, mặt, có thể có các dấu hiệu như:
Cảm giác khó chịu, ảnh hưởng đến tâm lý của người bệnh
Có nút sừng cứng ở nang lông
Xung quanh có quầng viêm
Bề mặt da khô và gồ ghề
Khi có các dấu hiệu khó chịu hay bất thường tại da, hãy liên hệ với bác sĩ. Dày sừng nang lông có thể một số biểu hiện giống như viêm da cơ địa, viêm nang lông, vảy phấn nang lông, lichen hóa…Do đó, cần được bác sĩ đánh giá, chẩn đoán phân biệt và đưa ra hướng điều trị thích hợp nhất.
Cách chữa khi bị dày sừng nang lông
Về cơ bản bệnh dày sừng nang lông không gây tổn hại tới sức khỏe của người bệnh nên cũng không nhất thiết phải điều trị. Bệnh không thể trị dứt điểm, nhưng nếu bệnh đem tới sự phiền toái vì tình trạng khô da, ngứa ngáy, mất thẩm mỹ thì bệnh nhân có thể điều trị cải thiện tình hình bằng những phương pháp như sau:
Điều trị dày sừng nang lông thường kéo dài vài tháng. Tùy theo tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định corticoid mức độ trung bình, dưỡng ẩm, thuốc thoa tiêu sừng, kháng sinh thoa tại chỗ hay phối hợp dạng uống. Laser cũng có thể được áp dụng trong điều trị một số dạng của dày sừng nang lông.
Dưới đây là một số cách chăm sóc da tại nhà được mà bệnh nhân dày sừng nang lông có thể tham khảo:
Tẩy tế bào chết của da nhẹ nhàng, đúng cách. Tránh chà sát vì có thể gây kích ứng và nặng thêm tình trạng bệnh
Sử dụng kem chứa chất tiêu sừng chứa các thành phần như: alpha hydroxy acid, retinol, salicylic acid, urea…
Thoa kem dưỡng ẩm sau khi tắm
Lựa chọn sữa tắm có độ pH phù hợp với da
Tham khảo ý kiến bác sĩ khi lựa chọn các sản phẩm điều trị và chăm sóc da để đảm bảo an toàn và hiệu quả tối ưu
Tham khảo: Wikipedia
>> Để được thăm khám khi có các biểu hiện về da liễu tại khoa Nội tiết phòng khám Pasteur, vui lòng liên hệ Tổng đài 0236 9999 868