Dày sừng ánh sáng là gì?
Dày sừng ánh sáng (Actinic keratosis) là những tổn thương ở da do tiếp xúc mạn tính với tia tử ngoại. Bệnh thường gặp ở những người lớn tuổi, đặc biệt có da sáng màu.
Một mảng dày sừng ánh sáng (hay dày sừng quang hóa) là một vùng da trở nên sần sùi, thô ráp, đóng vảy và bong tróc sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhiều năm mà không có biện pháp bảo vệ. Những mảng da như thế này thường thấy ở trên mặt, môi, tai, mu bàn tay, cẳng tay, da đầu hay da ở cổ.
Các vùng da bị tổn thương thường không gây ra dấu hiệu hoặc triệu nào khác ngoài có những mảng hoặc đốm nhỏ khác thường trên da, lan rộng chậm. Những mảng/ đốm này thường mất nhiều năm để phát triển rộng ra thêm, thường bắt đầu xuất hiện ở những người 40 tuổi.
Tia tử ngoại tác động trực tiếp hay gián tiếp lên các sợi ADN của tế bào. Tia UV có thể gây nên một số biến đổi gen, tế bào tăng sinh và phát triển bất thường. Dày sừng ánh sáng hiếm khi tiến triển thành ung thư biểu mô tế bào vảy, nhưng đây vẫn được xem là giai đoạn sớm của ung thư biểu mô tế bào vảy tại chỗ.
Nguyên nhân của dày sừng ánh sáng là gì?
Nguyên nhân gây ra những tổn thương trên da này chính là do tiếp xúc thường xuyên hoặc trực tiếp với tia UV từ mặt trời hoặc giường tắm nắng. Khi da tiếp xúc với tia cực tím từ ánh nắng mặt trời liên tục trong thời gian dài, các tế bào da sẽ bị biến đổi về hình dạng, kích thước và cách sắp xếp. Trong đó, tế bào sừng (chiếm hơn 90% số tế bào ở lớp thượng bì) bị thay đổi nhiều nhất.
Bất kỳ ai cũng đều có nguy cơ bị dày sừng ánh sáng, nhưng khả năng này sẽ tăng lên nếu:
- Hơn 40 tuổi
- Sống ở nơi có nhiều nắng
- Từng phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thường xuyên, gay gắt hoặc bị cháy nắng
- Dễ bị tàn nhang hoặc cháy nắng khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời
- Có tiền sử bệnh dày sừng ánh sáng hay ung thư da
- Hệ thống miễn dịch yếu do trải qua hóa trị liệu, bệnh bạch cầu, AIDS hay dùng thuốc sau khi cấy ghép nội tạng
Những yếu tố nguy cơ của dày sừng ánh sáng
- Tuổi cao, da sáng màu
- Sống vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới, tiếp xúc mạn tính với tia tử ngoại
- Tiền sử dày sừng ánh sáng hoặc ung thư da
- Suy giảm miễn dịch
Một số biểu hiện thường gặp của dày sừng ánh sáng
- Xuất hiện những dát, mảng hoặc sẩn đỏ, bong vảy. Có thể gặp những sẩn mảng dày, vảy dính trên nền da đỏ
- Kích thước thay đổi từ vài mm đến vài cm
- Có một hoặc nhiều thương tổn tại một vị trí
- Phổ biến ở vùng tiếp xúc nhiều với ánh sáng: mặt, tai, cổ, mặt mu bàn tay…
Trao đổi với bác sĩ về những thắc mắc về những bất thường ở da. Bác sĩ sẽ chỉ định sinh thiết da trong một số trường hợp cần thiết. Hiện nay, điều trị dày sừng ánh sáng có thể điều trị bằng những phương pháp như áp lạnh, phẫu thuật, dùng thuốc thoa tại chỗ. Tùy theo từng trường hợp mà bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị cụ thể.
Dày sừng ánh sáng có thể tự thoái triển hoặc tiến triển thành ung thư biểu mô tế bào vảy. Tổn thương vẫn có thể tái phát sau khi điều trị. Cần phòng ngừa dày sừng ánh sáng bằng cách dùng kem chống nắng SPF 50+, sử dụng trang phục che nắng khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Tham khảo: Wikipedia
Khi có các dấu hiệu bất thường về da liễu, hãy tìm đến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng không mong muốn xảy ra. Tại Pasteur, đội ngũ nhân viên y tế giàu kinh nghiệm, tận tình chu đáo cùng với trang bị hiện đại, hệ thống máy 4D/3D Voluson E6 giúp hỗ trợ bác sĩ phát hiện sớm những bất thường của người bệnh.