Bệnh giang mai là gì?
Giang mai (Syphilis) là một trong các bệnh lây qua đường tình dục do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây nên. Xoắn khuẩn giang mai xâm nhập vào cơ thể chủ yếu khi quan hệ tình dục không an toàn, qua các vết xước trên da hoặc niêm mạc. Tùy theo từng giai đoạn mà biểu hiện của bệnh sẽ đa dạng khác nhau.
Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, giang mai có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến tim, não hoặc các cơ quan khác và có thể nguy hiểm đến tính mạng. Sau khi được điều trị khỏi, vẫn có khả năng bị tái nhiễm nếu tiếp xúc với vết loét giang mai. Bệnh cũng có thể lây truyền từ mẹ sang thai nhi trong quá trình mang thai hoặc trong khi sinh gây giang mai bẩm sinh. Giang mai bẩm sinh có thể gây dị dạng hoặc tử vong.
Dấu hiệu của bệnh giang mai
Các dấu hiệu và triệu chứng của giang mai xảy ra trong 3 thời kỳ. Trong đó:
Thời kỳ 1 xuất hiện săng giang mai ở niêm mạc sinh dục hoặc miệng, môi…sau khoảng 3 tuần ủ bệnh. Nhiều bệnh nhân giang mai không phát hiện săng vì không có triệu chứng đau. Hạch vùng bẹn sưng to và thành chùm, trong đó hạch to nhất được gọi là hạch chúa. Săng giang mai sẽ tự lành trong 3 – 6 tuần.
Bệnh giang mai thời kỳ 2 bắt đầu khoảng 6 – 8 tuần từ khi xuất hiện săng. Lúc này, các dát màu hồng, thường không ngứa và rải rác nhiều vị trí trên cơ thể. Một số dấu hiệu khác có thể gặp như: sốt, sẩn dạng trứng cá, viêm hạch lan tỏa, rụng tóc…
Khoảng 15 – 30% người bệnh giang mai nếu không được điều trị sẽ tiến triển thành giang mai 3. Ở giai đoạn này, bệnh gây tổn thương thần kinh, mắt, tim, mạch máu, gan, hệ cơ xương khớp.
Bệnh giang mai lây qua đường nào
Xoắn khuẩn giang mai thường có nhiều trong các tổn thương (săng, mảng niêm mạc, hạch…). Vì vậy bệnh giang mai rất dễ lây lan nếu quan hệ tình dục không an toàn với người bệnh. Bệnh lây truyền mạnh nhất là thời kỳ 1 và 2 khi các thương tổn da và niêm mạc chứa nhiều xoắn khuẩn giang mai.
Bệnh chủ yếu lây truyền qua qua quan hệ tình dục không an toàn. Xoắn khuẩn xâm nhập qua da – niêm mạc của bộ phận sinh dục ít nhiều bị xây xát khi quan hệ tình dục sẽ gây bệnh tại chỗ (săng), đi vào máu và lan truyền khắp cơ thể. Các yếu tố làm tăng nguy cơ lây lan là bị nhiễm HIV/AIDS, bị các bệnh hay tổn thương ở bộ phận sinh dục, có hành vi tình dục không bảo vệ (quan hệ tình dục miệng – sinh dục, quan hệ tình dục đồng giới…).
Bệnh giang mai có thể lây do truyền máu (tiêm truyền máu hoặc tiêm chích ma túy mà bơm tiêm không khử khuẩn) và gián tiếp qua các đồ dùng, vật dụng bị nhiễm bẩn.
Giữa những thời kỳ, giang mai có thể không có các triệu chứng. Hãy liên hệ ngay với bác sĩ nếu bạn hoặc con của bạn có các dấu hiệu và nguy cơ với giang mai.
Phòng ngừa bệnh giang mai
Để phòng ngừa các bệnh lây qua đường tình dục nói chung và giang mai nói riêng, cần có lối sống tình dục lành mạnh, sử dụng biện pháp bao cao su để bảo vệ. Phụ nữ mang thai mắc giang mai cần phát hiện và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm.
Tham khảo: Mayo Clinic
Để được thăm khám khi có các biểu hiện về giang mai tại Sản phụ khoa phòng khám Pasteur, vui lòng liên hệ Tổng đài 0236 9999 868