Đau bụng kinh là gì? các dấu hiệu và nguyên nhân cụ thể ra sao.. Đau bụng kinh ở vị trí nào? Đau bụng kinh thường kéo dài trong bao lâu? và các biện pháp phòng ngừa cũng như điều trị như thế nào.. Tất cả các câu hỏi đó sẽ được THS BS Đồng Thị Hồng Trang tại phòng khám pasteur trả lời đầy đủ và chi tiết qua bài viết sau đây.
1/ Đau bụng kinh là gì
Đau bụng kinh (thống kinh) là triệu chứng khá phổ biến, liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt. Hầu hết nhiều phụ nữ đã từng trải qua đau bụng kinh một vài lần. Đau bụng kinh thường gây đau kiểu co rút vùng bụng dưới, có thể lan ra sau lưng và xuống hai đùi.
Cơn đau có lúc rất dữ dội, nhưng thường chỉ đau nhoi nhói một chút ở bụng. Đau bụng kinh có thể không giống nhau giữa các lần kinh nguyệt. Có những chu kỳ không có hoặc chỉ gây ra khó chịu một chút cho người phụ nữ, lại có những chu kỳ gây đau dữ dội hơn. Đôi khi, ở một số người có thể đau ngay cả khi không hành kinh. Nguyên nhân gây đau bụng kinh: nguyên phát và thứ phát.
2/ Đau bụng kinh nguyên phát
Đau bụng kinh xảy ra khi tử cung có co bóp. Các cơn co nhỏ xảy ra dọc từ trên xuống dưới tử cung, tuy nhiên các cơn co này thường rất yếu và thường là không cảm nhận được. Trong suốt giai đoạn hành kinh, tử cung sẽ co bóp để tống hết lớp niêm mạc tử cung đã bị hoại tử ra ngoài. Khi co bóp tử cung sẽ siết chặt các mạch máu, làm hạn chế máu và oxy đến. Sự thiếu oxy này kích thích các tế bào tiết ra các chất hóa học gây đau. Đồng thời, prostaglandin cũng được tiết ra làm cho tử cung co thắt nhiều hơn dẫn đến gây đau nhiều hơn.
Hiện tại vẫn chưa giải thích được tại sao ở một số phụ nữ đau bụng kinh lại dữ dội hơn so với những người khác. Có thể là liên quan đến việc tích tụ prostaglandin làm cho các cơn co thắt của tử cung trở nên mạnh hơn.
3/ Đau bụng kinh thứ phát
Ít gặp hơn là đau bụng kinh do một nguyên nhân bệnh lý nào đó, được gọi là đau bụng kinh thứ phát. Đau bụng kinh thứ phát có liên quan đến tuổi tác, thường gặp ở phụ nữ 30 – 45 tuổi. Các nguyên nhân có thể gây ra đau bụng kinh thứ phát:
Lạc nội mạc tử cung: lớp nội mạc tử cung vốn ở bên trong tử cung nhưng lại lạc chỗ ra các vị trí khác bên ngoài tử cung như: ống dẫn trứng, buồng trứng,…. gây đau.
U xơ tử cung: khối u xơ phát triển trong tử cung có thể gây rong kinh và thống kinh
Viêm vùng chậu: làm các cơ quan trong vùng chậu hông như tử cung, vòi trứng, buồng trứng bị viêm nhiễm.
Lạc tuyến nội mạc tử cung (adenomyosis): là sự xâm nhập các tế bào thuộc lớp nội mạc tử cung vào lớp cơ tử cung, làm xuất hiện đau bụng kinh
Dụng cụ tránh thai (IUD): được làm bằng đồng hoặc nhựa dẻo được dặt vào bên trong buồng tử cung để tránh thai. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây đau bụng kinh, đặc biệt là những chu kỳ kinh nguyệt sau khi được đặt.
Bạn cũng nên chú ý những cơn đau bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt, nó có thể liên quan đến một trong những nguyên nhân gây đau bụng kinh thứ phát như đã liệt kê ở trên. Ví dụ như đau bụng kinh dữ dội hơn hoặc có thể kéo dài hơn bình thường.
Nếu đau bụng kinh là thứ phát sau những nguyên nhân trên thì có thể kèm thêm các triệu chứng sau:
– Kinh nguyệt không đều
– Xuất huyết bất thường giữa các lần hành kinh
– Khí hư nhiều hoặc có mùi hôi
– Đau trong khi quan hệ
Hãy đi gặp bác sỹ nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào kể trên.
4/ Đau bụng kinh thường kéo dài bao lâu?
Đau bụng kinh thường bắt đầu xuất hiện khi hành kinh, tuy nhiên một số người có thể xuất hiện đau vài ngày trước khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt của họ. Thường thì đau bụng kinh kéo dài khoảng 48 – 72h, nhưng vẫn có một số trường hợp kéo dài hơn. Đau nhiều nhất vào ngày lượng máu kinh nhiều nhất.
Đau bụng kinh thường xuất hiện ở tuổi vị thành niên. Đau bụng kinh nguyên phát thường có khuynh hướng cải thiện hơn khi lớn tuổi hơn, nhất là sau khi có con.
5/ Các biện pháp điều trị
Đa số đau bụng kinh mức độ nhẹ thì thường chỉ cần điều trị tại nhà.
Thuốc giảm đau:
- Ibuprofen, aspirin có thể được sử dụng để giảm đau
- Chống chỉ định đối với những người có mắc các bệnh lý như hen, các bệnh lý dạ dày, thận, gan,…
- Paracetamol cũng được dùng để giảm đau trong trường hợp này, nhưng một số nghiên cứ chỉ ra rằng paracetamol giảm đau không hiệu quả bằng ibuprofen và aspirin.
- Nếu các thuốc giảm đau thông thường trên không có hiệu quả thì các bác sỹ có thể cho các loại thuốc giảm đau mạnh hơn như naproxen, codein.
Loại thuốc khác:
- Thuốc tránh thai: làm mỏng niêm mạc tử cung nên cơ tử cung không cần phải co bóp nhiều để tống chúng ra ngoài khi hành kinh, đồng thời thuốc tránh thai còn giúp làm giảm hàm lượng prostaglandin được tiết ra do đó các cơn đau cũng nhẹ nhàng hơn.Nếu thuốc tránh thai không phù hợp với bạn thì que cấy tránh thai, thuốc tiêm tránh thai, dụng cụ tử cung chứa hormone cũng là lựa chọn tốt.
Riêng đối với đau bụng kinh thứ phát cần điều trị triệt để bệnh lý gây ra triệu chứng đau bụng kinh.
5/ Các biện pháp giảm đau bụng kinh khác
+ Ngưng hút thuốc: thuốc lá là một yếu tố làm đau bụng kinh thêm đau hơn
+ Tập thể dục: khi đau bụng kinh bạn chỉ muốn nghỉ ngơi hạn chế vận động, tuy nhiên các vận động nhẹ nhàng như bơi lội, đi bộ, đạp xe có thể giúp bạn giảm đau hơn
+ Chườm ấm: dùng túi chườm nhiệt hoặc một chai nước nóng (được bọc trong khăn) đặt lên vùng bụng dưới, có thể giúp bạn giảm bớt cơn đau
+ Tắm nước nóng có thể giúp bạn giảm đau hơn và thư giãn hơn
+ Massage nhẹ nhàng quanh cùng bụng dưới.
+ Các bài tập giúp thư giãn như: yoga, pilate giúp bạn quên đi cảm giác đau đớn, khó chịu
+ Kích thích thần kinh bằng điện qua da (TENS)
6/ Khi nào cần khám bác sỹ?
Nên đi khám khi có các biểu hiện sau như đau nhiều hơn so với bình thường, hoặc có biểu hiện rong kinh hoặc kinh nguyệt không đều. Bạn cũng nên đến gặp bác sỹ nếu có các triệu chứng của đau bụng kinh thứ phát như rong kinh, đau nhiều trong lúc hành kinh.
7/ Thăm khám âm đạo
Bác sỹ có thể tiến hành thăm khám âm đạo để kiểm tra tử cung buồng trứng có bất thường hay không nhằm giúp chẩn đoán hoặc loại trừ một số nguyên nhân gây đau bụng kinh.
Khám âm đạo chỉ được thực hiện bởi bác sỹ phụ khoa và có sự đồng ý của bạn, nên có người thứ 3 quan sát trong quá trình thăm khám.
Một số trường hợp khác thì có thể phải tiến hành siêu âm phụ khoa mới có thể phát hiện được các bất thường.
8/ Các xét nghiệm có thể được chỉ định tiếp theo:
Để giúp xác định nguyên nhân thì bác sỹ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm như:
– Xét nghiệm máu, nước tiểu.
– Siêu âm phụ khoa: không gây đau đớn và giúp kiểm tra các bất thường cơ quan sinh dục.
– Nội soi ổ bụng dưới gây mê: giúp quan sát các cơ quan, sinh thiết mô nếu cần thiết.
– Nội soi buồng tử cung: ống soi sẽ được đưa vào tử cung của bạn qua đường âm đạo để kiểm tra các bất thường.
9/ Đau bụng kinh có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hay không?
Đau bụng kinh là một phần của chu kỳ kinh nguyệt nên thường sẽ không ảnh hưởng gì, tuy nhiên nếu là đau bụng kinh thứ phát thì có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của bạn.
Ví dụ: trong lạc nội mạc tử cung và viêm xương chậu có thể gây ra sẹo trong ống dẫn trứng ảnh hưởng đến sự gặp gỡ của tinh trùng và trứng để thụ tinh.
U xơ tử cung và lạc tuyến nội mạc tử cung có thể gây ảnh hưởng đến tử cung, gây đau và rong kinh.
Các bạn có thể xem thêm 1 số bài viết liên quan
- Đau bụng khi mang thai có bình thường hay không
- Quan hệ khi hành kinh có thai hay không
- Những điều cần biết về mãn kinh
- Bệnh lý huyết khối trong thai kỳ là gì
….
Ngoài ra nếu còn thắc mắc hay cần tư vấn trao đổi cụ thể hơn các bạn có thể liên hệ trực tiếp đến hotline 02363811868 tại chuyên khoa khám sản phụ khoa của Pasteur để được các bác sĩ chuyên sâu thăm khám và đưa ra những lời khuyên tốt nhất
Chúc các bạn luôn có sức khỏe tốt!
THS BS Đồng Thị Hồng Trang
Phòng khám đa khoa Pasteur