YẾU TỐ NGUY CƠ VÀ TRIỆU CHỨNG CỦA NHIỄM TRÙNG HẬU SẢN

  1. Nhiễm trùng hậu sản là gì?

Nhiễm trùng hậu sản là tình trạng nhiễm trùng trong 6 tuần đầu sau khi sinh. Đây là một trong năm tai biến sản khoa nguy hiểm thường gặp. Một số nhiễm trùng thường hậu sản thường gặp là nhiễm trùng tầng sinh môn, âm hộ, âm đạ, cổ tử cung, viêm niêm mạc tử cung, viêm phúc mạc tiểu khung hay viêm phúc mạc toàn bộ, nhiễm trùng huyết, viêm tắc tĩnh mạch…

2. Một số yếu tố nguy cơ của nhiễm trùng hậu sản?

Các tác nhân gây bệnh thường gặp gây nhiễm trùng hậu sản là tụ cầu, liên cầu, Clostridium, Bacteroides…Một số yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm trùng hậu sản là:

  • Thiếu máu, dinh dưỡng kém
  • Thể trạng thừa cân béo phì
  • Có tình trạng nhiễm khuẩn âm đạo hay có các bệnh lây qua đường tình dục
  • Ối vỡ non
  • Chuyển dạ kéo dài
  • Sót một phần nhau thai trong tử cung
  • Băng huyết sau sinh

3. Các triệu chứng của nhiễm trùng hậu sản

Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp của tình trạng nhiễm trùng hậu sản:

  • Mệt mỏi, khó chịu
  • Sốt nhẹ
  • Đau vùng hạ vị
  • Vùng vết mổ hay khâu cắt tầng sinh môn đau, viêm và tiết dịch
  • Sản dịch có mùi hôi khó chịu, có lẫn máu và mủ
    Triệu Chứng Của Nhiễm Trùng Hậu Sản
    Triệu chứng của nhiễm trùng hậu sản

4. Biến chứng của nhiễm trùng hậu sản

Nhiễm trùng hậu sản là hậu quả không mong muốn thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong ở sản phụ. Bệnh để lại hậu quả nặng nề cho sản phụ và em bé sơ sinh do kéo dài thời gian nằm viện, ảnh hưởng đến sức khỏe và tăng chi phí điều trị. Nhiễm trùng hậu sản có thể diễn tiến nhanh, cấp tính đưa đến nhiễm trùng toàn thân nghiêm trọng; một số trường hợp có diễn tiến âm thầm gây ra viêm vùng chậu mãn tính. Một số hình thái thường gặp khi bị nhiễm trùng sau khi sinh là:

Nhiễm khuẩn tầng sinh môn, âm hộ, âm đạo

Đây là hình thái nhẹ nhất. Do rách hoặc không cắt tầng sinh môn mà không khâu hoặc khâu không đúng kỹ thuật, không đảm bảo vô khuẩn, sót gạc trong âm đạo.

Triệu chứng: sốt nhẹ 38-38,5 độ C, vết khâu tầng sinh môn sưng tấy, đau, trường hợp nặng có mủ. Tử cung co hồi bình thường, sản dịch không hôi. Bệnh nhân sẽ tiến triển tốt nếu điều trị kịp thời

Viêm cơ tử cung

Hình thái này khá hiếm gặp, biểu thị bằng việc nhiễm khuẩn toàn bộ cơ tử cung, những ổ mủ trong lớp cơ tử cung, thường xảy ra sau viêm nội mạc tử cung hoặc bế sản dịch. Bế sản dịch là hình thái trung gian. Triệu chứng giống như viêm nội mạc tử cung nhưng khác là không thấy sản dịch hoặc có rất ít. Tiên lượng phụ thuộc vào chẩn đoán và điều trị. Biến chứng có thể là viêm phúc mạc và nhiễm trùng máu.

Triệu chứng: Sốt cao 39-40 độ C, biểu hiện nhiễm trùng nặng. Sản dịch có lẫn máu, có mùi hôi hoặc thối. Tử cung to, mềm, đau khi ấn vào.

Viêm niêm mạc tử cung

Đây là hình thái hay gặp, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng khác nặng hơn như viêm tử cung toàn bộ, viêm phúc mạc toàn bộ, nhiễm khuẩn máu.

Nguyên nhân: do sót rau, sót màng, nhiễm khuẩn ối, chuyển dạ kéo dài, thủ thuật bóc rau, kiểm soát tử cung không đảm bảo vô khuẩn.

Triệu chứng: Sốt xuất hiện sau sinh từ 2- 3 ngày. Mạch nhanh >100 lần/phút, người mệt mỏi. Sản dịch hôi, có thể lẫn mủ. Tử cung co hồi chậm, cần xét nghiệm lấy sản dịch cấy tìm vi khuẩn gây bệnh và làm kháng sinh đồ. Một hình thái nặng hơn của viêm niêm mạc tử cung là viêm tử cung toàn bộ, quá trình viêm nhiễm có thể lan tới lớp cơ tử cung với những ổ áp xe nhỏ; các triệu chứng lâm sàng có dấu hiệu nặng hơn viêm niêm mạc tử cung và dễ gây nên viêm phúc mạc hoặc nhiễm trùng máu.

Viêm dây chằng rộng và phần phụ 

Từ nhiễm khuẩn ở tử cung có thể lan sang các dây chằng (đặc biệt là dây chằng rộng) và các phần phụ như vòi trứng, buồng trứng.

Triệu chứng: xuất hiện muộn sau sinh từ 8 đến 10 ngày. Sản phụ gặp tình trạng nhiễm trùng toàn thân, người mệt mỏi, sốt cao. Sản dịch có mùi hôi và tử cung co hồi chậm. Thăm khám âm đạo thấy khối rắn đau, bờ không rõ, ít di động.

Nếu là viêm dây chằng rộng ở phần trên hoặc viêm phần phụ thì khối u ở cao, nếu là viêm đáy của dây chằng rộng, nắn và phối hợp thăm khám âm đạo sẽ thấy khối viêm ở thấp, ngay ở túi cùng, có khi khối viêm dính liền với túi cùng, di động hạn chế. Khó phân biệt với đám quánh ruột thừa. Bệnh có thể khỏi nếu điều trị kịp thời, biến chứng thành viêm phúc mạc tiểu khung khối mủ (u mềm, nhiệt độ dao động). Nếu mủ vỡ vào ổ bụng gây ra viêm phúc mạc toàn thể. Nếu khối mủ ở thấp có thể vỡ vào bàng quang, trực tràng, âm đạo.

Viêm phúc mạc tiểu khung

Viêm phúc mạc tiểu khung thứ phát là hình thái nhiễm khuẩn lan từ tử cung, dây chằng rộng, phần phụ, đáy chậu. Viêm phúc mạc nguyên phát là nhiễm khuẩn từ tử cung có thể không qua các bộ phận khác mà đi theo đường bạch mạch hoặc lan trực tiếp đến mặt sau phúc mạc, lan đến túi cùng sau, ruột, bàng quang.

Tình trạng viêm lan đến đâu sẽ hình thành giả mạc và phúc mạc sẽ dính vào nhau tại đó, phản ứng sinh ra các túi dịch, chất dịch có thể trong hoặc đục lẫn mủ hoặc máu (thể nặng).

Triệu chứng:

  • Dấu hiệu bệnh lý xảy ra trung bình khoảng từ 7 – 15 ngày sau khi sinh và có biểu hiện rầm rộ hơn viêm niêm mạc tử cung;
  • Nhiệt độ cơ thể tăng dần 38 – 400C, rét run, mệt mỏi, lưỡi bẩn; có dấu hiệu nhiễm trùng, đau hạ vị, tiểu tiện buốt, rát.
  • Khám thấy có phản ứng thành bụng ở tiểu khung, bụng chướng nhẹ, ở phần trên của tiểu khung bụng mềm; khám âm đạo thấy cổ tử cung bé, tử cung to, di động và đau;
  • Các túi cùng âm đạo phù nề và đau; nếu khám âm đạo kết hợp với sờ nắn bụng thấy vùng tiểu khung có khối rắn, không di động, đau; xét nghiệm máu ghi nhận bạch cầu tăng,…

Viêm phúc mạc toàn bộ

Có 2 thể viêm phúc mạc là viêm phúc mạc nguyên phát và viêm phúc mạc thứ phát. Nguyên nhân dẫn đến viêm phúc mạc toàn bộ có thể xảy ra trong mổ lấy thai do:

  • Không đảm bảo vô khuẩn, khâu tử cung không tốt, sót rau, tổn thương ruột, bàng quang;
  • Sót gạc trong ổ bụng;
  • Nhiễm khuẩn ối;
  • Vỡ tử cung kèm theo tổn thương bàng quang, thủng tử cung do nạo hút thai, đặc biệt do phá thai phạm pháp không phát hiện thủng tử cung;
  • Có thể là biến chứng của các hình thái nhiễm khuẩn như: viêm tử cung toàn bộ, viêm dây chằng phần phụ có mủ, viêm phúc mạc tiểu khung điều trị không tốt.

Triệu chứng: Tình trạng viêm phúc mạc toàn bộ có thể xảy ra sau khi sản phụ sinh khoảng từ 7 – 10 ngày hoặc sau khi mổ đẻ khoảng 3 – 4 ngày với dấu hiệu môi khô, lưỡi bẩn, mắt trũng; có hội chứng nhiễm độc, nhiễm trùng; đại tiện có khi phân lỏng và mùi rất hôi, có phản ứng thành bụng hoặc cảm ứng phúc mạc nhưng nhiều khi không rõ; chụp phim X-quang bụng thấy bụng có quai ruột giãn, có mức nước và mức hơi; xét nghiệm điện giải đồ ghi nhận các thành phần Ca++, Cl– giảm.

Bệnh nhân sốt cao 40 độ C, mạch nhanh, khó thở, nôn, mặt hốc hác, bụng hơi chướng, đau ít, không có phản ứng thành bụng, gõ đục vùng thấp. Thăm âm đạo các cùng đồ đau, xét nghiệm máu thấy bạch cầu tăng, Hematocrit cao, thiếu máu tán huyết, CRP tăng. Rối loạn điện giải và toan chuyển hóa, rối loạn chức năng gan thận.

Nhiễm khuẩn huyết

Đây được xem là hình thái nặng nhất có thể để lại nhiều di chứng thậm chí tử vong.

Triệu chứng:

  • Sản phụ sau khi sinh bị sốt cao liên tục, nhiệt độ dao động, kèm theo triệu chứng sốt cao là rét run, toàn thân mệt mỏi;
  • Có dấu hiệu nhiễm trùng, nhiễm độc như: môi khô, lưỡi bẩn, khó thở, da vàng, nước tiểu sẫm màu; nghe phổi có tiếng ran; có thể thấy các biểu hiện của các ổ nhiễm khuẩn thứ phát như áp xe cơ, áp xe gan, áp xe não;
  • Khám sản khoa thấy cổ tử cung hé mở, tử cung to và co hồi lại chậm, ấn tử cung đau, sản dịch có mùi hôi và bẩn lẫn máu mủ;
  • Cấy máu và cấy sản dịch nếu có kết quả dương tính là xác định chẩn đoán chắc chắn nhiễm trùng huyết, nếu kết quả âm tính cũng không thể loại trừ và chủ yếu vẫn căn cứ vào triệu chứng lâm sàng;
  • Thực hiện các xét nghiệm khác thấy hồng cầu giảm, bạch cầu tăng chủ yếu là tăng bạch cầu đa nhân trung tính, hematocrit giảm.

Nguyên nhân:

Bệnh xảy ra do vi khuẩn, virus hoặc nấm giải phóng các hóa chất vào máu để chống lại các phản ứng viêm. Những phản ứng này đã tạo ra hàng loạt thay đổi trong cơ thể, gây tổn thương các cơ quan như gan, thận, khiến cơ thể suy yếu nhanh. Đây cũng là hình thái nặng nhất của nhiễm trùng hậu sản. Các biến chứng của bệnh có thể kể đến như suy thận cơ năng, viêm thận kẽ, áp xe phổi, viêm nội tâm mạc, áp xe não, viêm màng não,… Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, sản phụ bị nhiễm trùng huyết có nguy cơ tử vong cao.

5. Khi nào cần đến bác sĩ?

Khi có các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm trùng hậu sản nói riêng và các dấu hiệu khác khiến sản phụ cảm thấy lo lắng, hãy liên hệ với bác sĩ Sản phụ khoa. Việc chẩn đoán và xử lý sớm nhiễm trùng hậu sản giúp phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Tham khảo: Wikipedia

>>> Các bà mẹ mang thai có thể đăng ký thăm khám, kiểm tra tình trạng thai nhi tại Đơn vị Sản phụ khoa Hiếm muộn Pasteur qua Tổng đài 0236 9999 868