Bệnh lậu và các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) luôn được xem là vấn đề khó nói, rất nhiều bệnh nhân ngại đi khám và nhiều người không biết nên đi khám ở đâu. Có bao giờ bạn tự đặt câu hỏi trong đầu rằng tại sao bất kỳ bệnh viện nào cũng có khoa phụ sản mà lại rất ít nơi có đơn vị dành riêng cho nam khoa? Nếu là bệnh nhân nữ, khi gặp các bệnh lý phụ khoa có thể thăm khám và điều trị tại phòng khám phụ khoa hoặc da liễu. Còn đối bệnh nhân nam có vấn đề về nam khoa thì thường sẽ điều trị ở khoa da liễu, hay khám nội hoặc điều trị tại khoa ngoại tiết niệu nếu có nhiễm trùng tại đường tiểu. Nắm bắt được thì trường tiềm năng tại Việt Nam mà nhiều phòng khám tư nhân nước ngoài mở các phòng khám nam khoa, quảng cáo trục lợi từ chính những bệnh nhân đến khám.
Đã từng nghe thông tin bệnh nhân đi khám và điều trị lậu cầu từ phòng khám nam khoa tư nhân TQ hết 30 triệu đồng. Bệnh nhân được làm đủ các thủ thuật như súc rửa bàng quang, cắt bao quy đầu… và dùng thuốc. Vậy bệnh lậu là gì, hướng điều trị bệnh lậu liệu có thực sự phức tạp và đắt đỏ như vậy không?
BỆNH LẬU LÀ GÌ?
– Bệnh lậu là bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs), là một trong những bệnh STIs thường gặp. Theo thống kê của tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính rằng có khoảng 82,4 triệu người bị nhiễm lậu trong năm 2020. Theo số liệu báo cáo của Viện Da liễu Quốc gia năm 2003, ở Việt Nam bệnh lậu chiếm 10% trong các bệnh STIs. Ước tính tại Việt Nam có khoảng từ 50.000-100.000 người mắc lậu mỗi năm. Tỷ lệ nam nhiều hơn nữ khoảng 2 – 3 lần. Thông thường sẽ kết hợp đồng mắc với một số tác nhân khác như Chlamydia, Mycoplasma, Trichomonas.
– Bệnh lậu do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây ra. Đây là vi khuẩn song cầu khuẩn gram âm, hình dáng như hạt café, sống nội bào, khi ra môi trường ngoại bào chỉ sống được vài tiếng, chỉ có vật chủ là người. Bệnh thường lây chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp khi quan hệ tình dục, cũng có thể lây truyền từ mẹ sang con.
– Biểu hiện lâm sàng:
+ Đối với nam giới, khoảng 90% biểu hiện tình trạng viêm niệu đạo cấp tính. Bệnh nhân sẽ cảm thấy rấm rức, tiểu buốt, tiểu rát dọc niệu đạo. Có thể thấy xuất tiết dịch mủ ở niệu đạo.
+ Đối với nữ giới: 50 – 90 % không biểu hiện triệu chứng. Biểu hiện hay gặp nhất là viêm cổ tử cung (CTC đỏ, kèm mủ), viêm âm hộ – âm đạo (rong kinh/chảy máu sau QHTD; tăng tiết khí hư màu vàng/xanh, đôi khi có mủ)
+ Bệnh lậu có thể truyền từ mẹ sang con nếu mẹ bị mắc lậu và sinh con qua đường âm đạo, gọi là bệnh lậu ở trẻ sơ sinh, gây nhiều hậu quả nặng nề. Biến chứng hay gặp đó là viêm kết mạc mắt do lậu cầu (sau sinh trẻ nhắm nghiền mắt, mi mắt sưng, chảy nhiều dịch mủ) có thể dẫn đến mù nếu không điều trị kịp thời, có thể kèm nhiễm trùng máu, viêm màng não…
+ Một số khác biểu hiện tại các cơ quan như hậu môn, trực tràng, niêm mạc miệng, kết mạc mắt… gây bệnh viêm họng do lậu cầu, viêm khớp do nhiễm lậu cầu.
– Bệnh lậu gây nhiều biến chứng ảnh hưởng lên cơ quan sinh sản. Đối với nam gây viêm tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn, xơ hẹp niệu đạo, viêm tuyến tiền liệt, đối với nữ viêm niêm mạc tử cung, viêm vòi trứng, viêm buồng trứng, viêm tuyến Bartholin; dần dà dẫn đến vô sinh, viêm bàng quang, viêm thận, nhiễm khuẩn huyết, viêm gan, viêm khớp…

2. CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ LẬU CÓ KHÓ KHÔNG?
– Đối với các bệnh STIs, việc chẩn đoán không chỉ bao gồm khám lâm sàng, các xét nghiệm cận lâm sàng hỗ trợ mà còn kết hợp với việc khai thác tiền sử QHTD.
– Cần nhắc lại rằng, đối nam giới biểu hiện lậu trên lâm sàng khá rõ, tuy nhiên đối với nữ giới các triệu chứng hầu như là “im lặng”, đồng thời khi một bệnh nhân mắc lậu, thường đồng mắc với một số bệnh STIs khác. Do đó đòi hỏi bác sĩ thăm khám cần khai kỹ tiền sử quan hệ, và các xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán.
– Nguyên tắc điều trị bệnh lậu:
+ Điều trị sớm, đủ liều
+ Điều trị cho cả bạn tình
+ Không QHTD trong quá trình điều trị
+ Sàng lọc một số bệnh STIs khác như Chlamydia, giang mai, HIV.
--> Tái khám sau 7 ngày.
--> Nếu bệnh nhân tuân thủ điều trị, thông thường chỉ với 1 liều kháng sinh duy nhất bệnh nhân đáp ứng điều trị, nếu không thì có thể do tái phát.
– Như vậy việc chẩn đoán và điều trị lậu không hề phức tạp và tốn kém như nhiều lời đồn thổi, quảng cáo.
TÓM LẠI:
– Bệnh nhân nếu hành vi nguy cơ như:
+ QHTD không an toàn
+ Có bạn tình có hành vi nguy cơ cao
+ Có nhiều bạn tình
Hoặc có một số biểu hiện lâm sàng như đã đề cập cần tìm đến các cơ sở y tế hoặc bệnh viện uy tín để thăm khám và điều trị.
– Bệnh lậu là một bệnh nhiễm khuẩn, nhạy với kháng sinh, BN cần điều trị sớm, tuân thủ điều trị để kết quả điều trị được thành công.
– Bệnh lậu là bệnh lây truyền chủ yếu qua đường tình dục, do đó khi điều trị lậu cần điều trị cho cả bạn tình.
– Bệnh lậu có thể lây truyền từ mẹ sang con, có thể gây nhiều ảnh hưởng đến thai nhi, do đó nếu phụ nữ trong quá trình mang thai nếu mẹ phát hiện nhiễm lậu cần được bác sĩ sản khoa theo dõi kỹ.
– Bệnh lậu thường đi kèm với một số bệnh STIs khác, do đó cần sàng lọc thêm một số bệnh thường phối hợp như Chlamydia, giang mai, HIV Chlamydia.
Bs Phan Ngọc Huyền – Phòng khám đa khoa Pasteur
Tham khảo: Wikipedia